THÔNG TIN THUỐC
Số 2-2016
Bệnh Viện Chuyên Khoa Tâm Thần Khánh Hòa
(Lưu hành nội bộ)
Bản tin số 2
THÔNG TIN THUỐC
Trong số này
1. Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng amisulpiride (Solian)...........................................................................................3
BSCKI. Võ Hữu Thắng
(Nguồn: VIDAL 2012/2013)
2. Olanzapine liên quan đến phản ứng da, hiếm có nhưng trầm trọng.................................................................................................5
BSCKI. Lê Văn Hào
( Sưu tầm từ nguồn: Bs Phạm Văn Trụ BVTT Tp HCM
Theo: Caroline Cassels.Olanzapine Linked to Rare but Serious Skin Reaction, FDA Warns. News Alerts > Medscape Medical News. May 10)
3. FDA chấp thuận thuốc xịt mũi NARCAN trong điều ngộ độc các chất dạng thuốc phiện.................................................................................................7
BSCKI. Nguyễn Đình Tân
(Sưu tầm từ nguồn: Bs Phạm Văn Trụ. Bv TT Tp HCM Theo Troy Brown, RN. FDA Approves Narcan Nasal Spray to Treat Opioid Overdose. November 18, 2015).
4. Chú ý khi chỉ định phenytoin và những tương tác bất lợi xảy ra khi phối hợp phenytoin với các thuốc khác.................................................................................................9
DS. Phan Tấn Thanh
Ban biên tập:
ThS.Bs .Đặng Duy Thanh Trưởng Ban
ThS.Bs. Đinh Thị Hoan Phó ban
BSCKI. Nguyễn Ánh Chương Phó ban
DS.Phan Tấn Thanh Thư Ký
BSCKI. Lê Văn Hào Thành Viên
BSCKI.Thái Bằng Phi Thành Viên
BSCKI. Nguyễn Đình Tân Thành Viên
BSCKI. Nguyễn Hữu Thắng Thành Viên
|
BÀ I 1: CHÚ Ý ĐỀ PHÒNG VÀ THẬN TRỌNG LÚC DÙNG AMISULPIRIDE (SOLIAN)
1. CHÚ Ý ĐỀ PHÒNG:
- Hội chứng ác tính: Như đối với các thuốc an thần kinh khác, amisulpride có thể gây hội chứng ác tính (tăng thân nhiệt, cứng cơ, rối loạn thần kinh thực vật, mất nhận thức, tăng CPK). Trường hợp thấy thân nhiệt tăng, nhất là khi dùng liều hàng ngày cao, phải ngưng thuốc ngay.
- Kéo dài đoạn QT: Tùy thuộc vào liều dùng, amisulpiride có thể kéo dài đoạn QT dễ dẫn đến các rối loạn nhịp thấp kiểu gây xoắn đỉnh. Tác động này được tăng cường nếu bệnh nhân bị chậm nhịp tim, hạ kali huyết, QT dài bẩm sinh hay do phối hợp với các thuốc kéo dài khoảng QT.
Trong trường hợp hoàn cảnh lâm sàng cho phép, trước khi kê toa nên chắc chắn rằng không có những tác nhân có thể dẫn đến loạn nhịp:
+ Nhịp tim chậm dưới 55 nhịp /phút.
+ Hạ kali huyết.
+ Đoạn QT dài bẩm sinh.
+ Đang điều trị bằng các thuốc có thể gây chậm nhịp tim đáng kể (dưới 55 nhịp trên/phút), có thể làm hạ kali huyết, làm chậm dẫn truyền trong tim, kéo dài đoạn QT.
+ Nên làm điện não đồ trước khi điều trị dài hạn với thuốc an thần kinh.
2. THẬN TRỌNG LÚC DÙNG:
- Do thuốc được bài tiết qua thận, nên giảm liều ở bệnh nhân bị suy thận. Không có số liệu ở bệnh nhân bị suy thận nặng.
- Các thuốc an thần kinh được biết là có thể làm giảm ngưỡng gây động kinh, do đó cần thận trọng và tăng cường theo dõi khi điều trị bằng amisulpiride cho những bệnh nhân có tiền sử bị động kinh.
- Thận trọng khi dùng cho người cao tuổi do thường nhạy cảm cao với thuốc (an thần và hạ huyết áp).
- Chỉ kê toa thuốc an thần kinh cho bệnh nhân bị liệt run (parkinson) khi thật sự cần thiết.
3. TƯƠNG TÁC THUỐC:
A. Chống chỉ định phối hợp:
- Levodopa: Do có đối kháng tương tranh giữa levodopa và các thuốc an thần kinh.
+ Trường hợp xảy ra hội chứng ngoại tháp gây bởi thuốc an thần kinh, không được dùng levodopa để điều trị, mà nên dùng một thuốc kháng cholinergic.
+ Ở những bệnh nhân bị liệt run được điều trị với levodopa, trường hợp phải dùng thuốc an thần kinh, không nên tiếp tục dùng levodopa do có thể làm nặng thêm các rối loạn tâm thần và cũng không thể hiện được tác động do các thụ thể đã bị phong bế bởi các thuốc an thần kinh.
B. Không nên phối hợp:
- Rượu: Rượu làm tăng tác dụng an thần của thuốc an thần kinh. Việc giảm sự tập trung và tỉnh táo có thể gây nguy hiểm khi lái xe hay vận hành máy móc. Tránh uống rượu và các thức uống hay uống có chứa rượu trong thời gian điều trị.
C. Lưu ý khi phối hợp:
- Thuốc trị tăng huyết áp: Do hiệp đồng tác dụng trên việc hạ huyết áp, có thể gây hạ huyết áp tư thế.
- Các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác (thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần, thuốc giảm đau và chống ho họ morphine, thuốc kháng histamin H1 có tác dụng an thần, nhóm barbiturate, thuốc giải lo âu, clonidine và các thuốc cùng họ, thuốc ngủ, methadone, thalidomide): tăng ức chế thần kinh trung ương. Việc giảm tập trung và tỉnh táo có thể gây nguy hiểm khi lái xe hay vận hành máy móc.
BSCKI. Võ Hữu Thắng
(Nguồn: VIDAL 2012/2013)
BÀI 2: ONALZAPINE LIÊN QUAN ĐẾN PHẢN ỨNG DA, HIẾM CÓ NHƯNG TRẦM TRỌNG
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ ( The US Food and Drug Administration – FDA) vừa ra thông cáo về olanzapine có liên quan đến tình trạng bệnh lý trầm trọng do phản ứng thuốc với tăng bạch cầu ưa eosin trong máu và một loạt các triệu chứng đặc trưng ( DRESS).
Số liệu của Hệ thống báo cáo các tác dụng có hại (Adverse Event Reporting System – FARES) của FDA đã xác định 23 trường hợp DRESS với olanzapine trên toàn thế giới từ năm 1996 (năm xuất hiện trường hợp đầu tiên) đến nay.
Trong khuyến cáo của mình FDA ghi nhận FAERS chỉ có 1 trường hợp cấp cứu, các trường hợp khác FDA không có số liệu cụ thể.
Một bệnh nhân dùng olanzapine bị DRESS đã tử vong, tuy nhiên bệnh nhân này dùng nhiều loại thuốc và có thể góp phần gây hậu quả tử vong.
DRESS bắt đầu ban đỏ ngứa khắp cơ thể, có thể kèm sốt, sưng hạch bạch huyết và sưng nề mặt. Bạch cầu eosine trong máu tăng gây viêm và sưng nề. DRESS có thể gây tổn thương nội tạng gan, thận, tim, tụy tạng và có thể dẫn tới tử vong. DRESS là một phản ứng thuốc nặng với tỷ lệ tử vong lên đến 10%.
FDA khuyến cáo các bác sĩ nên ngưng olanzapine ngay nếu nghi ngờ bị DRESS. Hiện chưa có phương pháp trị liệu chuyên biệt, vấn đề cơ bản là nhận thức về hội chứng này, ngưng thuốc sớm và chăm sóc cẩn thận.
Trong điều trị, corticosteroids được sử dụng một cách có hệ thống nhằm bảo vệ các cơ quan bị tổn thương. Bác sĩ điều trị nên giải thích các dấu hiệu phản ứng trên da của thuốc và căn dặn thăm khám chuyên khoa sớm nhất.
BSCKI. Lê Văn Hào
( Sưu tầm từ nguồn: Bs Phạm Văn Trụ BVTT Tp HCM
Theo: Caroline Cassels.Olanzapine Linked to Rare but Serious Skin Reaction, FDA Warns. News Alerts > Medscape Medical News. May 10, 2016)
BÀI 3: FDA CHẤP THUẬN THUỐC XỊT MŨI NARCAN TRONG ĐIỀU TRỊ NGỘ ĐỘC CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ vừa chấp thuận Narcan, naloxone hydrochloride bào chế dưới dạng xịt mũi, một sản phẩm của hãng dược Adapt Pharma trong chỉ định điều trị ngộ độc opioid.
Naloxone hydrochloride được dùng bằng đường tiêm chích tĩnh mạch trong trường hợp quá liều hay ngộ độc các chất dạng thuốc phiện, đặc biệt khi bị ức chế hô hấp. Thuốc có hiệu quả trong thời gian 2 phút nhưng có tác dụng phòng ngừa tử vong.
Sản phẩm dạng xịt mũi dễ sử dụng cho người dùng lần đầu cũng như dễ phân phát và có thể loại bỏ thách thức lây nhiễm do tiêm chích. Cho đến hiện tại, bộ kit có thể tiêm chích kết hợp naloxone và hoạt chất có thể phun dùng đường mũi không được chấp thuận. Sản phẩm naloxone xịt mũi được chấp thuận không dành riêng cho đối tượng nào vì mọi người có thể sử dụng, ngay cả khi không được tập huấn sử dụng. Sản phẩm này có thể dùng cho người lớn và trẻ em, xịt khi bệnh nhân nằm ngửa hoặc nằm nghiêng và có thể xịt nhắc lại nếu cần thiết (hay các triệu chứng ngộ độc quá liều chưa hết). Tuy nhiên FDA khuyến cáo bệnh nhân nên thăm khám y khoa ngay sau khi có dấu hiệu ngộ độc quá liều. Tại Hoa Kỳ, tử vong do sử dụng quá liều các chất dạng thuốc phiện tăng cao từ khoảng 10 năm trước và hiện tại cao hơn số tử vong do tai nạn xe máy.
Nguyên nhân phần lớn do bác sĩ kê toa và do sự gia tăng sử dụng heroin. Ts Stephen Ostroff, phái viên FDA cho biết : “Phòng chống lạm dụng các chất là ưu tiên hang đầu của FDA. Trong khi naloxone không giải quyết được các vấn đề do nghiện các chất dạng thuốc phiện gây ra, FDA tập hợp nghiên cứu các dạng sản phẩm mới có thể cứu tính mạng người nghiện hoặc bệnh nhân ngộ độc do quá liều”.
Sự chấp thuận sau khi tổng hợp số liệu nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong đó việc sử dụng dạng xịt mũi hoàn tất với cùng một liều lượng hoặc cùng liều cao naloxone như trong trường hợp dùng chích bắp thịt trong cùng một thời gian. Ưu tiên của FDA là tổng hợp chương trình thúc đẩy chấp thuận với mong muốn cải thiện và an toàn hiệu quả của mục đích phòng ngừa, điều trị hoặc chẩn đoán của các loại thuốc y khoa đặc biệt. FDA đã chấp thuận naloxone dạng xịt mũi từ hơn 4 tháng trước. Ts Janet Woodcock, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Lượng giá Ma túy của FDA cho biết: “Chúng tôi có thông tin từ yêu cầu đại chúng về sản phẩm sử dụng dạng xịt mũi và nhanh chóng chấp thuận sản phẩm và tin chắc Narcan sẽ được phân phối với liều lượng phù hợp như một đóng góp quan trọng của loại thuốc cấp cứu này”.
Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy Hoa Kỳ (National Institute on Drug Abuse=NIDA) thiết kế và tiến hành thử nghiệm lâm sàng nhằm xác định naloxone dạng xịt mũi tác dụng nhanh và hiệu quả như dạng chích.
Do vậy NIDA đã kết hợp với đối tác nghiên cứu và đạt được sự chấp thuận của FDA. Ts Nora Volkow GĐ NIDA cho biết “không nghi ngờ naloxone dạng xịt mũi dễ sử dụng sẽ cứu nhiều mạng người. Khi phòng ngừa là mục đích cơ bản thì sự thành công của naloxone dạng xịt mũi cho thấy vai trò của công chúng và các cơ sở khoa học tư nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng sử dụng ma túy quá liều”. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân đạo Hoa Kỳ Sylvia M. Burwell đã đề nghị tăng cường tiến trình sử dụng naloxone dạng chích trong mục tiêu chiến lược phòng chống nghiện các chất dạng thuốc phiện từ tháng 3/2015.
FDA đã tài trợ khóa huấn luyện về điều trị nghiện và nhóm luật sư yêu cầu mở rộng chương trình cấp cứu người nghiện sử dụng quá liều. Naloxone dạng xịt có thể gây ra trạng thái cai các chất dạng thuốc phiện ở người nghiện.
Thực tế hiện nay các cơ sở điều trị methadone đã được cung cấp naloxone dạng chích theo cơ số quy định, chỉ định cấp cứu trong các trường hợp người nghiện dùng quá liều methadone, tuy nhiên hầu như chưa có trường hợp nào xảy ra.
BSCKI. Nguyễn Đình Tân
(Sưu tầm từ nguồn: Bs Phạm Văn Trụ. Bv TT Tp HCM Theo Troy Brown, RN. FDA Approves Narcan Nasal Spray to Treat Opioid Overdose. November 18, 2015).
BÀI 4: CHÚ Ý KHI CHỈ ĐỊNH PHENYTOIN VÀ NHỮNG TƯƠNG TÁC BẤT LỢI XẢY RA KHI PHỐI HỢP PHENYTOIN VỚI CÁC THUỐC KHÁC
A. CHÚ Ý KHI CHỈ ĐỊNH THUỐC:
- Thời kỳ cho con bú: Phenytoin qua được sữa mẹ.
- Thời kỳ mang thai: Các dị tật bẩm sinh hay gặp hơn ở trẻ em được sinh ra từ bà mẹ động kinh và có thể hoặc do động kinh, hoặc do thuốc chống động kinh. Phenytoin hình như là nguyên nhân của một số dị vật (mặt, vòm miệng, ngón tay) và gây những rối loạn về đông máu khi mới sinh(chảy máu).
- Quá mẫn với nhóm hydantoin.
- Người bệnh cao tuổi: Nguy cơ bị nhiễm độc, do giảm chuyển hóa hoặc do giảm protein trong huyết tương, nên làm tăng phần thuốc tự do.
B. TƯƠNG TÁC THUỐC:
● Cân nhắc nguy cơ/lợi ích:
1. Diazoxid
+ Phân tích: Đồng thời giảm tác dụng chống động kinh và tăng glucose máu khi phối hợp hai thuốc.
+ Xử lý: Thay đổi chiến lược điều trị, do khó đạt được một cân bằng điều trị.
2. Disulfiram
- Phân tích: Ức chế chuyển hóa ở gan dẫn theo tăng nồng độ phenytoin trong huyết tương. Phối hợp thuốc có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần và mất phối hợp vận động.
- Xử lý: Đo nồng độ phenytoin trong huyết tương và hiệu chỉnh liều dùng, thậm chí ngừng disulfiram. Nồng độ phenytoin trung bình để có tác dụng điều trị tối ưu tùy theo các phương pháp định lượng, là từ 5 đến 15mg/lít. Xác minh các trị số do phòng thí nghiệm đưa ra.
3. Sulfamid kháng khuẩn
- Phân tích: Tương tác dược động học: tăng nồng độ phenytoin trong huyết tương do ức chế enzym và do đẩy phenytoin khỏi liên kết protein trong huyết tương, có thể dẫn đến các dấu hiệu quá liều.
- Xử lý: Chọn một họ thuốc khác các sulfamid, nếu cần phối hợp, nên quản lý cẩn thận liều dùng của phenytoin.
4. Thuốc cường giao cảm(dopamin)
- Phân tích: Cho phenytoin trong khi truyền dopamin có thể gây hạ huyết áp nặng và có khả năng làm ngừng tim. Tương tác xảy ra nhanh. Cơ chế chưa rõ. Có thể do dopamin làm thiếu hụt catecholamin phối hợp với tác dụng ức chế cơ tim của phenytoin.
- Xử lý: Phải dùng phenytoin hết sức thận trọng đối với người đang truyền dopamin. Nếu phải dùng phenytoin, giám sát chặt chẽ huyết áp người bệnh và ngừng ngay truyền phenytoin nếu thấy huyết áp giảm.
● Tương tác cần thận trọng:
1. Paracetamol
- Phân tích: Tiềm năng nhiễm độc gan do paracetamol có thể tăng khi phối hợp với phenytoin dùng lâu dài. Tác dụng điều trị của paracetamol có thể bị giảm khi dùng đồng thời với phenytoin. Tương tác xảy ra chậm. Cơ chế: Phenytoin gây cảm ứng các enzym của microsom gan, làm tăng chuyển hóa độc với gan.
- Xử lý: Nguy cơ nhiễm độc gan lớn nhất khi dùng paracetamol lâu dài hoặc quá liều, kèm theo dùng phenytoin thường xuyên đều đặn. Thường không cần điều chỉnh liều hoặc giám sát đặc biệt khi dùng paracetamol và phenytoin với liều điều trị thông thường.
2. Bezodiazepin
- Phân tích: Nguy cơ không dự đoán được tăng hay giảm nồng độ phenytoin trong huyết thanh.
- Xử lý: Theo dõi lâm sàng và nồng độ phenytoin huyết thanh.
3. Clozapine
- Phân tích: Tương tác dược động học: tăng chuyển hóa clozapine bởi cảm ứng enzym, có thể dẫn đến thất bại trong điều trị bằng clozapine.
- Xử lý: Nhận xét người bệnh về đáp ứng lâm sàng và điều chỉnh liều của clozapine cho phù hợp.
4. Phenothiazin
- Phân tích: Tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, kéo theo tăng tác dụng an thần buồn ngủ.
- Xử lý: Lưu ý nguy cơ này để điều chỉnh hai thuốc. Chú ý đến giảm tỉnh táo ở người lái xe và người vận hành máy. Khuyên không uống rượu và không tự ý dùng thuốc hoặc các chế phẩm chứa rượu.
5. Natri valproat hoặc các dẫn chất
- Phân tích: Tương tác dược động học. Nhiều hiện tượng có thể biểu hiện: Nguy cơ quá liều phenytoin (rối loạn tiêu hóa, rung giận nhãn cầu, mất điều hòa, loạn vận ngôn, hôn mê, hạ huyết áp,…) do phenytoin bị đẩy khỏi protein huyết tương do natri valproat (tương ứng dược động học ở khâu phân bố), giảm nồng độ natri valproat trong huyết tương do tác dụng cảm ứng enzym của phenytoin (tương tác dược động học ở khâu chuyển hóa), giảm thanh lọc phenytoin bởi natri valproat, do giảm chuyển hóa.
6. Paraxetine
- Phân tích: Nồng độ phenytoin trong huyết thanh có thể giảm khi dùng phối hợp với paraxetine, do đó làm giảm tác dụng điều trị của phenytoin.
- Xử lý: Nếu nghi có tương tác, có thể cần phải điều chỉnh liều của phenytoin khi bắt đầu, khi ngừng hoặc khi thay đổi liều của paraxetine. Theo dõi đáp ứng lâm sàng của người bệnh.
● Tương tác cần theo dõi:
1. Barbituric
- Phân tích: Theo trình tự thời gian dùng thuốc, nếu dùng phenobarbital ngay trước phenytoin, có sự tăng nồng độ phenytoin trong huyết tương do cạnh tranh ở khâu chuyển hóa. Nếu dùng phenytoin trước phenobarbital, những thay đổi của nồng độ phenytoin không dự đoán được.
- Xử lý: Dựa vào trình tự thời gian dùng các thuốc và tùy trường hợp, lưu ý nguy cơ này để điều chỉnh liều dùng của hai thuốc, nếu cần phối hợp. Chú ý đến sự giảm tỉnh táo ở người lái xe và người vận hành máy. Khuyên không uống rượu và không tự ý dùng thuốc hoặc chế phẩm có rượu.
2. Carbamazepine
- Phân tích: Phenytoin làm giảm hàm lượng carbamazepine trong huyết thanh. Còn tác dụng của carbamazepine do cảm ứng enzym. Còn carbamazepine có thể làm giảm sinh khả dụng của phenytoin.
- Xử lý: Theo dõi nồng độ của cả hai thuốc trong huyết thanh, nhất là khi bắt đầu dùng hoặc khi ngừng một thuốc. Thay đổi liều nếu cần thiết để duy trì hiệu lực điều trị và tránh độc tính.
3. Fluoxetine
- Phân tích: Tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, kéo theo tăng tác dụng an thần buồn ngủ. Cũng tăng nồng độ phenytoin với các dấu hiệu quá liều (do ức chế chuyển hóa).
- Xử lý: Lưu ý các nguy cơ này để điều chỉnh liều dùng của hai thuốc trong và sau khi điều trị bằng fluoxetine, nếu cần phối hợp. Chú ý đến sự giảm tỉnh táo ở người lái xe và người vận hành máy. Khuyên không uống rượu và không tự ý dùng thuốc hoặc chế phẩm có rượu.
DS. Phan Tấn Thanh
(Nguồn: Tương tác thuốc và chú ý khi chỉ định,
nhà xuất bản y học Hà Nội- 2014/ BYT)