LIÊN KẾT CƠ QUAN - BAN NGÀNH

Chung nhan Tin Nhiem Mang

  07/04/2020 20:13        

BẢN TIN THUỐC Số 1-2016

THÔNG TIN THUỐC

Số 1-2016

 

 

Bệnh viện Chuyên Khoa tâm Thần Khánh hòa

(Lưu hành nội bộ)

 

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2013/02/07/09/20130207095559_2.jpg

Bản tin số 1

THÔNG TIN THUỐC

Trong số này
 

1. Rối loạn lưỡng cực và chiến lược điều trị………………......................................................... 4    

BSCKI. Lê Văn Hào

Tổng hợp từ: More than just Depression: Recognizing Bipolar Disorder in Primary Care. Johns Hopkins Advanced Studies in Medicine 2006

BS. TRỊNH TẤT THẮNG, Bác Sĩ Giám Đốc Bệnh Viện Tâm Thần TP. HCM                                         

2. Những điều cần lưu ý khi điều trị bằng thuốc quetiapine (Seroquel XR ) cho bệnh nhân............

…………...............................................................................................................................8

DS. Phan Tấn Thanh

(Nguồn: Vidal 2011/2012, Mims.com.vn)

3. Điểm tin cảnh giác dược………….......................................................................................14    

DS. Phan Tấn Thanh, BSCKI. Nguyễn Đình Tân  

Ban biên tập:

ThS.BS .Đặng Duy Thanh                               Trưởng Ban

ThS.BS. Đinh Thị Hoan                                       Phó ban

BSCKI. Nguyễn Ánh Chương                               Phó ban

DS.Phan Tấn Thanh                                           Thư Ký

BSCKI. Lê Văn Hào                                       Thành Viên

BSCKI.Thái Bằng Phi                                    Thành Viên

BSCKI. Nguyễn Đình Tân                              Thành Viên

BSCKI. Nguyễn Hữu Thắng                           Thành Viên

 

Lời ngỏ

 

 

 

          Để tăng cường sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả trong Bệnh viện. Ban biên tập thông tin thuốc phát hành “Bản Tin Thuốc” xây dựng một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thuốc mới, chỉ định mới, liều dùng và những tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc tại đơn vị.

           Ban biên tập rất mong sự đóng góp ý kiến của quý đồng nghiệp để Bản Tin Thuốc ngày càng hoàn thiện.

          Trân trọng cảm ơn./.

 

 

      Ban biên tập          

      Trưởng ban           

ThS.BS. Đặng Duy Thanh

 

BÀI 1: RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC VÀ CHIẾN LƯỢC ĐIỀU TRỊ

 

https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRAUlXfxMyrHSXktoOm1eGDU8pw8F6b8Vy6D6kCnSbBdpUE3jXu

        

         Lithium, divalproex sodium và carbamazepine đã chính thức được

chỉ định trong điều trị rối loạn lưỡng cực từ vài thập kỷ nay.

         Vài năm trở lại đây, một số thuốc mới xuất hiện, trong đó đáng lưu ý là những thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai. Mặc dù mục đích điều trị cuối cùng luôn mong đợi một tình trạng hồi phục hoàn toàn của người bệnh và duy trì, không để bệnh tái phát nhưng trong thực tế lâm sàng để đạt được điều này không phải dễ dàng nếu không muốn nói là rất khó khăn đối với các thầy thuốc trong điều trị rối loạn lưỡng cực.

          Cho dù đã có thêm các thuốc mới để lựa chọn nhưng kết quả điều trị rối loạn lưỡng cực thật sự vẫn là một thách thức đối với các thầy thuốc vì kết quả điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như sự phức tạp của bệnh lý rối loạn lưỡng cực với những giai đoạn đặc trưng của nó như giai đoạn hưng cảm, giai đoạn trầm cảm, giai đoạn hỗn hợp và chu kỳ ngắn mà mỗi giai đoạn đòi hỏi một chiến lược điều trị khác nhau.

          Sự đánh giá kết quả điều trị trong thực tế lâm sàng cũng không phải dễ dàng, chưa có một định nghĩa rõ ràng nào khẳng định chắc chắn một đáp ứng điều trị tốt đối với rối loạn lưỡng cực. Thuốc làm giảm nhanh các triệu chứng của giai đoạn hưng cảm chưa hẳn đã là một thuốc có tác dụng tốt trong điều trị rối loạn lưỡng cực vì nó có nguy cơ cao đưa đến giai đoạn trầm cảm.

         Việc xác định liều lượng thuốc cũng là một việc không đơn giản nhất là trong những giai đoạn ổn định, duy trì liều làm sao để vừa hạn chế các tác dụng phụ mà vẫn đảm bảo ngăn ngừa tái phát. Sự tuân thủ điều trị ở người bệnh rối loạn lưỡng cực cũng lại là một vấn đề, nhất là trong giai đoạn hưng cảm.

        Thêm nữa, sự xuất hiện nhiều loại thuốc cũng đặt ra cho việc chọn lựa sử dụng thuốc trở nên phức tạp. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết này, chúng tôi cố gắng tổng hợp, cung cấp một số những thông tin chính làm cơ sở giúp các thầy thuốc lâm sàng trong việc lựa chọn các thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực một bệnh cảnh vẫn còn nhiều thách thức đối với chúng ta.

Về chọn lựa thuốc :

           Hiện nay có nhiều thuốc được dùng trong điều trị rối loạn lưỡng cực nhưng nói chung chúng được xếp vào 2 nhóm chính :

          + Ổn định khí sắc.

          + Chống loạn thần.

Nhóm ổn định khí sắc :

Lithium: là một thuốc chính trong điều trị rối loạn lưỡng cực từ những năm 1960. Rất nhiều những nghiên cứu đối chứng với giả dược đã chứng minh được hiệu quả của nó đối với giai đoạn hưng cảm và trầm cảm cũng như điều trị duy trì đối với rối loạn lưỡng cực. Hiệu quả của lithium đối với giai đoạn hưng cảm và điều trị duy trì ngừa tái phát có vẻ tốt hơn so với hiệu quả đối với giai đoạn trầm cảm, tuy nhiên lithium cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ tự sát đối với rối loạn lưỡng cực. Hạn chế của lithium là hiệu quả kém đối với những bệnh nhân có biểu hiện các giai đoạn hỗn hợp hoặc chu kỳ ngắn. Một hạn chế nữa là các tác dụng phụ của lithium như các rối loạn dạ dày ruột, run, khát nước, tiểu nhiều, tăng cân, suy tuyến giáp, ảnh hưởng nhiều chức năng  thận và ranh giới giữa liều điều trị và liều độc rất nhỏ gây khó khăn trong việc theo dõi đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Những thuốc chống co giật: Đặc biệt là divalproex sodium và carbamazepine hiện nay được sử dụng rộng rãi trong điều trị giai đoạn hưng cảm cấp và điều trị phòng tái phát trong rối loạn lưỡng cực. Việc sử dụng divalproex sodium tăng rõ rệt, những năm gần đây, divalproex phổ biến hơn so với lithium. Các nghiên cứu đã chứng minh tác dụng của divalproex đối với cơn hưng cảm cấp của rối loạn lưỡng cực tốt hơn lithium. Hạn chế của divalproex sodium là cần thử máu thường xuyên và một số tác dụng phụ như tăng cân, buồn ngủ, viêm gan hay giảm tiểu cầu. carbamazepine cũng tác dụng tốt đối với giai đoạn hưng cảm nhưng kém tác dụng phòng ngừa tái phát cũng như đối với giai đoạn trầm cảm. Sử dụng carbamazepine cần thận trọng vì nguy cơ tương tác thuốc và tác dụng phụ của nó đối với tế bào máu.

          Một số thuốc chống co giật khác cũng được lượng giá hiệu quả trong điều trị rối loạn lưỡng cực. Mới đây lamotrigine trở thành thuốc thứ hai sau lithium đã được FDA cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (Food and Drug Administration) của Hoa Kỳ chấp nhận trong điều trị duy trì phòng ngừa tái phát của rối loạn lưỡng cực. Các nghiên cứu cho thấy lamotrigine có tác dụng chống trầm cảm là chủ yếu. Bệnh nhân điều trị lamotrigine cần chú ý đến tác dụng phụ gây mẩn ngứa da thường là lành tính nhưng cần thận trọng tác dụng phụ nguy hiểm là hội chứng Steven Johnson. Một lợi điểm của lamotrigine là ít gây tăng cân so với các thuốc ổn định khí sắc và một vài thuốc chống loạn thần ở thế hệ thứ hai được dùng điều trị duy trì. Một số thuốc chống co giật khác còn đang trong giai đoạn nghiên cứu như gabapentin, tiagabin, topiramate, oxcarbazephine và zonisamide xem chúng có tác dụng ổn định khí sắc hay không.

Nhóm chống loạn thần: Các thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất hay điển hình có tác dụng nhanh, mạnh đối với các triệu chứng hưng cảm, đặc biệt là các biểu hiện kích động vận động. Tuy nhiên về lâu dài điều trị bằng các thuốc này sẽ làm xuất hiện các rối loạn vận động muộn và tăng tiết prolactin. Các nghiên cứu cho thấy các biểu hiện này còn trở nên nặng hơn trên những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực so với những bệnh nhân tâm thần phân liệt. Hơn nữa, các nghiên cứu còn cho thấy các thuốc này còn làm giai đoạn trầm cảm xuất hiện sớm trên các bệnh nhân lưỡng cực.

          Các thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai hay không điển hình ngoại trừ clozapine hiện nay được xem là những thuốc đầu tay trong điều trị tâm thần phân liệt và các loạn thần khác mới đây nổi lên như những thuốc có tác dụng đối với điều trị lưỡng cực.

Clozapine: cũng có tác dụng điều trị lưỡng cực nhưng vì các tác dụng phụ nhất là tác dụng làm giảm tế bào hạt nên nó chỉ được nghiên cứu để điều trị những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực kháng trị. Olanzapine là thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai đầu tiên được FDA chấp nhận năm 2000 là một thuốc điều trị cơn hưng cảm cấp của rối loạn lưỡng cực. Các nghiên cứu cho thấy tác dụng của olanzapine trong giai đoạn hưng cảm khá hơn so với lithium. So sánh với divalproex sodium thì olanzapine có tác dụng tốt hơn trong điều trị giai đoạn hưng cảm còn các tác dụng khác thì hai thuốc này như nhau nhưng divalproex sodium ít tác dụng phụ hơn.

         Những thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai khác như risperidone, quetiapine, ziprasidone và aripiprazole đều có tác dụng trong điều trị cơn hưng cảm cấp. Hiệu quả so sánh giữa những thuốc này với nhau chưa được chứng minh rõ ràng.

        Bằng chứng về tác dụng của thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai trong điều trị duy trì đối với rối loạn lưỡng cực còn rất hạn chế. Olanzapine đã được chấp nhận trong điều trị duy trì và trong giai đoạn trầm cảm của rối loạn lưỡng cực kết hợp với fluoxetine. Nghiên cứu cho thấy olanzapine làm chậm thời gian tái phát. Đơn trị liệu quetiapine và risperidone kết hợp với thuốc ổn định khí sắc cho thấy có tác dụng trong điều trị duy trì. aripiprazole cũng có nhiều hứa hẹn, kết quả cho thấy trong điều trị duy trì thời gian xuất hiện các triệu chứng tái phát kéo dài hơn khi điều trị bằng aripiprazole so với haloperidol và giả dược. Sự kết hợp thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai với một thuốc ổn định khí sắc cho thấy hiệu quả hơn khi điều trị với chỉ một thuốc ổn định khí sắc trong một số nghiên cứu. Đặc biệt cẩn thận cân nhắc khi kết hợp với carbamazepine vì đặc tính tương tác thuốc của thuốc này.

          Hiện tại việc điều trị duy trì bằng đơn trị liệu hay đa trị liệu còn nhiều tranh cãi. Trên thực tế, xu huớng đa trị liệu được nhiều người ủng hộ. việc chọn thuốc nào để kết hợp với nhau còn chưa được thống nhất, vấn đề là phải cố gắng hạn chế các tác dụng phụ khi dùng đa trị liệu. Đây cũng là một việc không đơn giản, cần cân nhắc đến đặc tính của từng loại thuốc và trên từng bệnh nhân riêng biệt.

          Phải thừa nhận rằng sự mong đợi hiệu quả của thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai trong điều trị đơn trị liệu hoặc kết hợp với thuốc ổn định khí sắc không tránh khỏi nguy cơ xuất hiện những tác dụng không mong muốn, tuy nhiên ziprasidone, aripiprazole có vẻ ít tác dụng phụ hơn olanzapine và clozapine còn risperidone và quetiapine nằm ở nhóm trung gian nhưng cần phải nhớ rằng tất cả các thuốc trên đều có nguy cơ làm xuất hiện những tác dụng không mong muốn như tăng cân, tiểu đường, rối loạn lipide máu và các rối loạn chuyển hóa khác. Các thầy thuốc lâm sàng trong khi điều trị phải theo dõi cẩn thận các dấu hiệu trên.

            Tóm lại, về lâu dài điều trị rối loạn lưỡng cực vẫn còn là một thách thức đối với các thầy thuốc chúng ta. Sự xuất hiện nhiều loại thuốc và khả năng chọn đơn trị trị liệu và đa trị liệu đưa lại cho chúng ta hi vọng kết quả điều trị tốt hơn đối với các rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, đối với thầy thuốc việc chọn đơn trị liệu hay đa trị liệu cần phải cân nhắc kỹ dựa trên đặc tính của từng loại thuốc cũng như đặc tính của từng bệnh nhân cụ thể làm sao phát huy tối đa tác dụng của thuốc và hạn chế tối đa các tác dụng phụ để đem đến cuộc sống chất lượng cho người bệnh.    

                                                                  

 BSCKI. Lê Văn Hào 

Tổng hợp từ: More than just Depression: Recognizing Bipolar Disorder in Primary Care. Johns Hopkins Advanced Studies in Medicine 2006

BS. TRỊNH TẤT THẮNG, Bác Sĩ Giám Đốc Bệnh Viện Tâm Thần TP. HCM 

BÀI 2: Những điều cần lưu ý khi điều trị bằng thuốc quetiapine (Seroquel XR ) cho bệnh nhân

 

              Vì Seroquel XR được chỉ định trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và điều trị hỗ trợ các cơn trầm cảm lớn ở bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm chủ yếu (MDD), rối loạn lo âu toàn thể (GAD), dữ liệu an toàn nên được xem xét tùy theo chẩn đoán trên từng bệnh nhân và liều đang sử dụng. Hiệu quả và tính an toàn dài hạn ở bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm chủ yếu chưa được đánh giá trong điều trị hỗ trợ, tuy nhiên hiệu quả và tính an toàn dài hạn đã được đánh giá trên bệnh nhân người lớn trong đơn trị liệu.

 - Trẻ em và trẻ vị thành niên (10-17 tuổi):

             Không khuyến cáo sử dụng quetiapine cho trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi do chưa có dữ liệu hỗ trợ cho việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân ở độ tuổi này. Các thử nghiệm lâm sàng với quetiapine cho thấy ngoài các dữ liệu an toàn đối với người lớn đã được xác định, một số các biến cố ngoại ý xảy ra ở trẻ em và trẻ vị thành niên với tần suất cao hơn so với ở người lớn (tăng cảm giác thèm ăn, tăng nồng độ prolactin huyết thanh và các triệu chứng ngoại tháp) và xác định một biến cố ngoại ý mới (tăng huyết áp) chưa ghi nhận qua các thử nghiệm trên người lớn trước đây. Các thay đổi về xét nghiệm chức năng tuyến giáp cũng được ghi nhận ở trẻ em và trẻ vị thành niên.

            Ngoài ra, các ảnh hưởng về an toàn dài hạn của trị liệu quetiapine đối với sự tăng trưởng và trưởng thành chỉ mới được nghiên cứu trong giới hạn 26 tuần. Chưa rõ ảnh hưởng dài hạn đối với sự phát triển nhận thức và hành vi.
           Trong các nghiên cứu lâm sàng có đối chứng với giả dược sử dụng quetiapine cho bệnh nhân trẻ em và trẻ vị thành niên, quetiapine liên quan đến tăng tần suất triệu chứng ngoại tháp (EPS) so với giả dược ở bệnh nhân điều trị tâm thần phân liệt và cơn hưng cảm do rối loạn lưỡng cực.

Tự tử/có ý nghĩ tự tử hoặc tình trạng lâm sàng xấu đi:

             Trầm cảm liên quan đến tăng nguy cơ có ý nghĩ tự tử, tự hủy hoại và tự tử (các biến cố liên quan đến tự tử). Nguy cơ này tồn tại kéo dài cho đến khi bệnh thuyên giảm đáng kể. Do có thể chưa có cải thiện trong vài tuần đầu điều trị hoặc lâu hơn, bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận cho đến khi bệnh được cải thiện đáng kể.

              Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy nguy cơ tự tử có thể gia tăng ở giai đoạn sớm trong quá trình hồi phục bệnh. Ngoài ra, bác sĩ trị liệu nên xem xét nguy cơ có thể xảy ra các biến cố liên quan đến tự tử sau khi ngưng đột ngột điều trị quetiapine, do các yếu tố nguy cơ đã được biết của bệnh đang điều trị.
Các tình trạng về tâm thần khác được chỉ định dùng Seroquel XR cũng có thể liên quan đến tăng nguy cơ các biến cố liên quan đến tự tử. Ngoài ra, các tình trạng này có thể xảy ra đồng thời với các cơn trầm cảm lớn.

              Do đó, nên thận trọng khi điều trị cho bệnh nhân có các rối loạn tâm thần khác giống như khi điều trị cho bệnh nhân có các cơn trầm cảm lớn. Bệnh nhân có tiền sử các biến cố liên quan đến tự tử, hoặc bệnh nhân có nhiều khả năng có ý nghĩ tự tử trước khi bắt đầu điều trị được ghi nhận có nguy cơ có ý nghĩ tự tử hoặc cố gắng tự tử cao, và nên được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị.

              Một phân tích gộp các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với giả dược thực hiện với các thuốc chống trầm cảm trên bệnh nhân người lớn bị các rối loạn về tâm thần cho thấy ở bệnh nhân dưới 25 tuổi có sự gia tăng nguy cơ hành vi tự tử ở nhóm sử dụng các thuốc chống trầm cảm so với nhóm giả dược. Kết hợp với điều trị bằng thuốc, đặc biệt khi bắt đầu điều trị và khi thay đổi liều, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ nhất là các bệnh nhân có nguy cơ cao. Bệnh nhân (và những người chăm sóc bệnh nhân) nên được cảnh báo về sự cần thiết phải theo dõi tất cả các tình trạng lâm sàng xấu đi, hành vi hoặc ý nghĩ tự tử hoặc thay đổi hành vi bất thường và tìm hỗ trợ y tế ngay khi các triệu chứng này xuất hiện.

             Trong các thử nghiệm lâm sàng ngắn hạn, có đối chứng với giả dược trên các bệnh nhân bị các cơn trầm cảm lớn trong rối loạn lưỡng cực, sự tăng nguy cơ các biến cố liên quan đến tự tử đã được ghi nhận ở các bệnh nhân người lớn (dưới 25 tuổi) điều trị với quetiapine so với bệnh nhân sử dụng giả dược (3,0% so với 0%, theo thứ tự). Trong các nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm chủ yếu, tần suất các biến cố liên quan đến tự tử đã được ghi nhận ở nhóm bệnh nhân người lớn (dưới 25 tuổi) là 2,1% (3/44) ở nhóm điều trị với quetiapin và 1,3% (1/75) ở nhóm sử dụng giả dược.

Triệu chứng ngoại tháp:

              Trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với giả dược, quetiapin liên quan đến sự tăng tần suất các triệu chứng ngoại tháp (EPS) so với giả dược ở bệnh nhân người lớn điều trị cơn trầm cảm lớn trong rối loạn lưỡng cực và rối loạn trầm cảm chủ yếu. Sử dụng quetiapine có thể gây chứng bồn chồn, biểu hiện bởi sự khó chịu chủ quan hoặc bồn chồn không yên và cần thay đổi vị trí cơ thể liên tục kèm theo không thể ngồi hoặc đứng yên. Triệu chứng này xuất hiện chủ yếu trong vài tuần đầu điều trị. Ở bệnh nhân xảy ra các triệu chứng này, có thể bất lợi khi tăng liều.

 - Rối loạn vận động muộn (tardive dyskinesia):

              Rối loạn vận động muộn là một hội chứng các vận động rối loạn, không chủ ý và có thể không hồi phục có thể xảy ở các bệnh nhân điều trị với các thuốc chống loạn thần, kể cả quetiapin. Khi có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng rối loạn vận động tự ý muộn nào, nên cân nhắc việc giảm liều hay ngưng thuốc Seroquel XR. Các triệu chứng rối loạn vận động muộn có thể gia tăng hoặc xấu đi sau khi ngưng trị liệu.

Buồn ngủ và chóng mặt:

              Điều trị với quetiapine  có thể gây buồn ngủ và các triệu chứng liên quan, như ngầy ngật. Trong các nghiên cứu lâm sàng về điều trị bệnh nhân trầm cảm do rối loạn lưỡng cực và rối loạn trầm cảm chủ yếu, buồn ngủ thường xuất hiện trong 3 ngày đầu điều trị và chủ yếu ở mức độ nhẹ đến trung bình. Bệnh nhân trầm cảm do rối loạn lưỡng cực và bệnh nhân có các cơn trầm cảm lớn trong rối loạn trầm cảm chủ yếu bị buồn ngủ trầm trọng có thể cần tái khám thường xuyên hơn, tối thiểu trong vòng hai tuần kể từ khi có triệu chứng buồn ngủ hoặc cho đến khi triệu chứng này được cải thiện và có thể cần cân nhắc việc ngưng điều trị.

              Điều trị với quetiapine có thể gây hạ huyết áp thế đứng và chóng mặt thường xuất hiện trong giai đoạn chỉnh liều ban đầu giống như đối với buồn ngủ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tổn thương bất ngờ (té ngã) đặc biệt ở đối tượng bệnh nhân cao tuổi. Do đó, nên khuyên bệnh nhân thận trọng cho đến khi quen với các tác dụng có thể xảy ra của thuốc.

- Trên tim mạch:

               Seroquel XR nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não hay những tình trạng có thể dẫn đến hạ huyết áp. Quetiapine có thể gây hạ huyết áp thế đứng, đặc biệt trong giai đoạn chỉnh liều ban đầu và vì thế cần giảm liều hoặc chỉnh liều từ từ nếu có tình trạng này xảy ra. Có thể xem xét chế độ chỉnh liều chậm hơn cho bệnh nhân đang bị bệnh tim mạch.

 - Co giật:

              Trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, không có sự khác biệt về tần suất cơn co giật giữa các bệnh nhân sử dụng quetiapine và nhóm giả dược (placebo). Chưa có dữ liệu về tần suất cơn co giật trên bệnh nhân có tiền sử rối loạn co giật. Tương tự như các thuốc chống loạn thần khác, cần thận trọng khi sử dụng để điều trị cho bệnh nhân có tiền sử co giật.

- Hội chứng ác tính do thuốc an thần:

              Hội chứng ác tính do thuốc an thần có liên quan đến việc điều trị bằng các thuốc chống loạn thần, kể cả quetiapine. Các biểu hiện lâm sàng bao gồm tăng thân nhiệt quá mức, thay đổi trạng thái tâm thần, co cứng cơ, hệ thần kinh tự chủ không ổn định và tăng creatin phosphokinase. Trong trường hợp này, nên ngưng dùng Seroquel XR và có biện pháp điều trị thích hợp. 

- Giảm bạch cầu trung tính trầm trọng:

                Giảm bạch cầu trung tính trầm trọng (lượng bạch cầu trung tính < 0,5 x 109/L) hiếm khi được ghi nhận trong các thử nghiệm lâm sàng về quetiapin. Hầu hết các trường hợp giảm bạch cầu trung tính trầm trọng xảy ra trong vài tháng đầu điều trị với quetiapine. Không có mối liên hệ rõ rệt với liều dùng. Kinh nghiệm sau khi đưa thuốc ra thị trường cho thấy tình trạng giảm bạch cầu và/hoặc giảm bạch cầu trung tính được giải quyết sau khi ngưng trị liệu với quetiapine.

                Các yếu tố nguy cơ có thể gây ra giảm bạch cầu trung tính bao gồm: lượng bạch cầu thấp trước đó và tiền sử giảm bạch cầu trung tính do thuốc. Nên ngưng chỉ định quetiapine ở bệnh nhân có số lượng bạch cầu trung tính < 1,0 x 109/L. Nên theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng và lượng bạch cầu trung tính ở các bệnh nhân này (cho đến khi lượng bạch cầu trung tính vượt quá 1,5 x 109/L).

Tương tác thuốc:

                 Sử dụng đồng thời quetiapine với các thuốc gây cảm ứng men gan mạnh như carbamazepine  hay phenytoin có thể làm giảm đáng kể nồng độ quetiapine trong huyết tương, và vì thế làm giảm hiệu quả trị liệu. Ở các bệnh nhân đang sử dụng các thuốc gây cảm ứng men gan, việc chỉ định Seroquel XR chỉ nên thực hiện sau khi bác sĩ trị liệu cân nhắc lợi ích khi trị liệu bằng Seroquel XR lớn hơn các nguy cơ do ngưng sử dụng thuốc gây cảm ứng men gan. Điều quan trọng là nên ngưng từ từ thuốc gây cảm ứng men gan, và nếu cần thì thay thế bằng một thuốc khác không gây cảm ứng men gan (ví dụ như natri valproat).

 - Cân nặng:

                 Tăng cân đã được ghi nhận ở bệnh nhân điều trị với quetiapine, và nên được theo dõi và kiểm soát lâm sàng thích hợp theo hướng dẫn sử dụng thuốc chống loạn thần.

- Tăng glucose huyết:

                Đã ghi nhận những trường hợp hiếm gặp tăng glucose huyết và/hay xuất hiện hoặc nặng thêm bệnh đái tháo đường đôi khi liên quan đến nhiễm keto-acid hoặc hôn mê, kể cả vài trường hợp gây tử vong. Trong vài trường hợp, tăng cân trước đó đã được ghi nhận là yếu tố nguy cơ. Cần có chế độ theo dõi lâm sàng thích hợp theo hướng dẫn sử dụng các thuốc chống loạn thần.

                Bệnh nhân điều trị với bất kỳ thuốc chống loạn thần nào kể cả quetiapine nên được theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng tăng glucose huyết (như khát nhiều, đa niệu, ăn nhiều và mệt mỏi) và bệnh nhân đái tháo đường hoặc có các yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường nên được theo dõi định kỳ để tránh tình trạng kiểm soát glucose xấu đi. Nên theo dõi cân nặng định kỳ.

 - Lipid:

              Tăng triglycerid, LDL và cholesterol toàn phần, và giảm HDL cholesterol đã được ghi nhận qua các thử nghiệm lâm sàng với quetiapine . Các thay đổi về lipid cần phải được xử trí khi có yêu cầu lâm sàng.

- Nguy cơ chuyển hóa:

               Với các thay đổi về cân nặng, glucose huyết  có thể gặp tình trạng các nguy cơ về chuyển hóa xấu đi, vì vậy nên được kiểm soát lâm sàng thích hợp.

- Kéo dài khoảng QT:

                Trong các thử nghiệm lâm sàng và sử dụng theo Tóm tắt đặc tính sản phẩm, không có mối liên quan giữa quetiapine và sự gia tăng kéo dài khoảng QT tuyệt đối. Sau khi thuốc lưu hành trên thị trường, kéo dài khoảng QT đã được ghi nhận khi sử dụng quetiapin ở liều điều trị  và trong trường hợp quá liều.

               Cũng như các thuốc chống loạn thần khác, cần thận trọng khi chỉ định quetiapin cho bệnh nhân bị bệnh tim mạch hay có tiền sử gia đình có dấu hiệu kéo dài khoảng QT. Cần thận trọng khi chỉ định quetiapine cùng với các thuốc gây kéo dài khoảng QT, hoặc sử dụng đồng thời với các thuốc an thần khác, đặc biệt ở người cao tuổi, ở bệnh nhân có hội chứng kéo dài QT bẩm sinh, suy tim sung huyết, phì đại tim, hạ kali hay magiê huyết.

- Hội chứng cai thuốc:

              Các triệu chứng cai thuốc cấp tính như buồn nôn, nôn, mất ngủ, nhức đầu, tiêu chảy, chóng mặt và kích thích có thể xảy ra sau khi ngưng đột ngột quetiapine liều cao. Vì vậy, nên ngưng thuốc từ từ trong khoảng thời gian tối thiểu một đến hai tuần.

- Bệnh nhân cao tuổi bị rối loạn tâm thần liên quan đến sa sút trí tuệ: Seroquel XR chưa được phê chuẩn để điều trị bệnh nhân rối loạn tâm thần liên quan đến sa sút trí tuệ.  Trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, đối chứng với giả dược, nguy cơ biến chứng mạch máu não xảy ra cao gấp 3 lần trong nhóm bệnh nhân sa sút trí tuệ sử dụng các thuốc chống loạn thần không điển hình.

              Cơ chế làm tăng nguy cơ này chưa được hiểu rõ. Sự gia tăng nguy cơ về biến chứng mạch máu não cũng không thể loại trừ cho các nhóm thuốc chống loạn thần khác hoặc trên nhóm đối tượng bệnh nhân khác. Seroquel XR nên được dùng thận trọng cho nhóm đối tượng có các yếu tố nguy cơ đột quị.

              Trong một phân tích gộp (meta-analysis), các thuốc chống loạn thần không điển hình làm tăng nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân cao tuổi bị loạn thần liên quan đến sa sút trí tuệ so với giả dược đã được ghi nhận. Tuy nhiên, trong hai nghiên cứu kéo dài trong thời gian 10 tuần trên cùng nhóm dân số bệnh nhân (n=710; tuổi trung bình: 83; độ tuổi biến thiên từ 56-99), tần suất tử vong ở nhóm bệnh nhân điều trị với quetiapine là 5,5% so với 3,2% ở nhóm giả dược. Số bệnh nhân tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau trong hai thử nghiệm này phù hợp với dự đoán. Các dữ liệu này không cho thấy mối liên quan nhân quả giữa trị liệu với quetiapine và tử vong ở bệnh nhân cao tuổi sa sút trí tuệ.

- Các tác động trên gan:

             Nếu vàng da xảy ra, nên ngưng Seroquel XR.

- Bệnh lý đi kèm:

              Khó nuốt và viêm phổi hít đã được ghi nhận khi sử dụng Seroquel XR. Mặc dù mối quan hệ nhân quả với viêm phổi hít chưa được thiết lập, Seroquel XR nên được sử dụng thận trọng trên bệnh nhân có nguy cơ viêm phổi hít.

 - Thuyên tắc tĩnh mạch do huyết khối (VTE):

              Các trường hợp thuyên tắc tĩnh mạch do huyết khối (VTE) đã được báo cáo khi sử dụng các thuốc chống loạn thần. Vì các bệnh nhân điều trị với các thuốc chống loạn thần thường có các yếu tố nguy cơ mắc phải về thuyên tắc tĩnh mạch do huyết khối, cần xác định tất cả các yếu tố nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch do huyết khối trước và trong quá trình điều trị với quetiapin và tiến hành các biện pháp ngăn ngừa.

 - Viêm tụy:

              Viêm tụy đã được ghi nhận trong các thử nghiệm lâm sàng và sau khi thuốc lưu hành trên thị trường. Trong các báo cáo sau khi thuốc lưu hành trên thị trường, không phải tất cả các trường hợp đều bị các yếu tố nguy cơ gây nhiễu, nhiều bệnh nhân có các yếu tố đã được biết có liên quan đến viêm tụy như tăng triglycerid, sỏi mật và uống rượu.

- Lactose:

              Viên nén Seroquel XR có chứa lactose. Bệnh nhân có các rối loạn di truyền hiếm gặp như rối loạn dung nạp galactose, thiếu lapp lactase, hoặc bất thường hấp thu glucose-galactose không nên sử dụng thuốc này.

- Ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy:

               Do tác động chủ yếu lên hệ thần kinh trung ương, quetiapine có thể ảnh hưởng đến các hoạt động cần tỉnh táo tinh thần. Vì vậy, cần khuyên bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy cho đến khi xác định rõ sự nhạy cảm với thuốc của bản thân.

 

DS. Phan Tấn Thanh

(Nguồn: Vidal 2011/2012, Mims.com.vn)

ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC

 

Olanzapine:

          Tử vong liên quan đến các thuốc điều trị tâm thần phân liệt dạng tiêm Ngày 23/3/2015, FDA thông báo kết quả rà soát 2 trường hợp tử vong sau khi tiêm olanzapin pamoat tác dụng kéo dài (đã được báo cáo từ năm 2013). Khảo sát nhằm xác định nguyên nhân của sự tăng nồng độ olanzapin pamoat trên hai bệnh nhân này chưa thể đưa ra kết luận rõ ràng. Không thể loại trừ một khả năng gây tử vong là do tác dụng muộn của việc thuốc được hấp thu vào cơ thể quá nhanh sau tiêm bắp. Tuy nhiên, việc tăng nồng độ thuốc trong máu cũng có thể xảy ra sau khi bệnh nhân đã tử vong. Trên cơ sở tất cả các thông tin thu được, FDA không khuyến cáo bất cứ thay đổi nào trong kê đơn và sử dụng olanzapine. Bệnh nhân không nên tự ý ngừng thuốc mà không thông báo với bác sĩ. FDA cũng khuyến cáo các cán bộ y tế vẫn tiếp tục sử dụng thuốc trong điều trị.

DS. Phan Tấn Thanh

 (Nguồn: canhgiacduoc.org.vn)

                                                                                                                                            

Duloxetine hydroclorid: Nguy cơ hội chứng an thần kinh ác tính

            Ngày 23/4/2015, MHLW/PMDA thông báo về việc cập nhật thông tin về nguy cơ an thần kinh ác tính trên nhãn thuốc chứa duloxetin hydroclorid tại Nhật Bản. MHLW/PMDA nhận thấy hội chứng an thần kinh ác tính đã được ghi nhận ở bệnh nhân điều trị bằng duloxetin hydroclorid tại Nhật Bản. Dựa trên ý kiến chuyên gia và các bằng chứng hiện có, MHLW/PMDA khuyến cáo cần bổ sung đoạn dưới đây vào phần “Các phản ứng có hại có ý nghĩa lâm sàng” trong mục “Các phản ứng có hại” trên tờ hướng dẫn sử dụng của các thuốc này. “Về hội chứng an thần kinh ác tính: Hội chứng này có thể xảy ra khi sử dụng thuốc. Khi bệnh nhân có các dấu hiệu như sốt, mất ngôn ngữ, cứng các cơ lớn, khó nuốt, tim đập nhanh, huyết áp bất thường, vã mồ hôi, tăng bạch cầu, tăng creatin kinase huyếtthanh, … cần ngừng dùng thuốc, làm mát cơ thể, bù nước và thực hiện các biện pháp xử trí phù hợp. Ngoài ra, duloxetin có nguy cơ gây suy giảm chức năng thận cùng myoglobin niệu có thể dẫn đến suy thận cấp nên cần rất thận trọng khi dùng thuốc”.

BSCKI. Nguyễn Đình Tân

(Nguồn: canhgiacduoc.org.vn)

Clozapine: FDA thay đổi yêu cầu theo dõi, kê đơn và cấp phát clozapin để giải quyết những lo ngại về phản ứng giảm bạch cầu trung tính nghiêm trọng

           Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang tiến hành thay đổi những yêu cầu trong việc theo dõi, kê đơn và cấp phát clozapin để giải quyết những lo ngại về phản ứng giảm bạch cầu trung tính nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng thuốc này. FDA yêu cầu thay đổi 2 phần sau:

          - Thay đổi 1: bổ sung hướng dẫn chi tiết về việc theo dõi giảm bạch cầu trung tính khi sử dụng clozapin trong tờ thông tin sản phẩm, trong đó nêu rõ cách theo dõi bệnh nhân để đề phòng phản ứng giảm bạch cầu trung tính và quản lý điều trị clozapin.

         - Thay đổi 2: phê duyệt kế hoạch đánh giá và giảm thiểu nguy cơ mới (Clozapine REMS Program). Chương trình REMS mới này yêu cầu bác sĩ kê đơn, dược sĩ và bệnh nhân đăng ký vào một hệ thống tập trung duy nhất. Các yêu cầu về theo dõi, kê đơn, cấp phát và nhận thuốc clozapin giờ đều được tích hợp trong khuôn khổ của Clozapine REMS Program.

            Thông tin sản phẩm được cập nhật mới và chương trình REMS mới sẽ giúp tăng cường giám sát và xử trí bệnh nhân xảy ra giảm bạch cầu trung tính nghiêm trọng. Clozapin có thể gây giảm bạch cầu trung tính trong máu và trong một số trường hợp gây giảm bạch cầu trung tính nghiêm trọng. Thông tin sản phẩm của clozapin và clozapine REMS Program đã nêu rõ giảm bạch cầu trung tính chỉ được theo dõi thông qua việc đếm số bạch cầu trung tính tuyệt đối, không kết hợp với việc đếm tổng số lượng tế bào bạch cầu.

           Trong chương trình REMS, giới hạn số lượng tế bào bạch cầu trung tính tuyệt đối để sử dụng clozapin đã được thay đổi để bệnh nhân có thể tiếp tục sử dụng thuốc này với mức bạch cầu trung tính thấp hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có giảm bạch cầu trung tính nhẹ do đặc điểm chủng tộc, trước đây chưa được sử dụng clozapin, sẽ được chấp nhận cho phép dùng thuốc.

 

          Thông tin sản phẩm sửa đổi giúp bác sĩ thuận tiện hơn trong việc đưa ra các quyết định điều trị dựa trên cá thể bệnh nhân, trong trường hợp bác sĩ cân nhắc nguy cơ tiến triển xấu đi của bệnh lý tâm thần cao hơn nguy cơ giảm bạch cầu trung tính nghiêm trọng, đặc biệt khi clozapin có thể đã là biện pháp cuối cùng cho bệnh nhân.

 DS. Phan Tấn Thanh

(Nguồn: canhgiacduoc.org.vn)

Thuốc điều trị Alzheimer Aricept (donepezil): Cảnh báo mới về nguy cơ tiêu cơ vân và rối loạn thần kinh nghiêm trọng

            Ngày 21/01/2015, Cơ quan Quản lý Y tế Canada đã bổ sung những cảnh báo mới đối với thuốc kê đơn điều trị Alzheimer có tên biệt dược là Aricept (hoạt chất donepezil) liên quan tới hai nguy cơ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng: tổn thương cơ (tiêu cơ vân) và hội chứng an thần kinh ác tính.

             Donepezil là thuốc kê đơn điều trị triệu chứng của sa sút trí tuệ mức độ từ nhẹ tới nặng liên quan tới bệnh Alzheimer. Thuốc này có tên thương mại là Aricept và Aricept RDT (dạng viên giải phóng nhanh) và nhiều tên generic khác. Tiêu cơ vân là rối loạn hiếm gặp liên quan tới sự tổn thương của mô cơ.

           Tiêu cơ vân có thể gây ra loạn nhịp tim nghiêm trọng, thậm chí tử vong, suy thận và tổn thương thận, nhưng nhìn chung có thể hồi phục nếu được phát hiện kịpthời. Hội chứng an thần kinh ác tính là rối loạn rất hiếm gặp gây nguy hiểm tính mạng và được đặc trưng bởi sự mất cân bằng hóa học gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống thần kinh, cơ và tim mạch. Đôi khi, tác động lên cơ của hội chứng này có thể dẫn đến tiêu cơ vân.

            Cảnh báo mới nói trên dựa trên kết quả báo cáo rà soát về độ an toàn của Cơ quan Quản lý Y tế Canada. Tiêu cơ vân và hội chứng an thần kinh ác tính được ghi nhận xảy ra độc lập khi sử dụng donepezil; tuy nhiên, tiêu cơ vân có thể là hệ quả của hội chứng an thần kinh ác tính.

            Tiêu cơ vân chủ yếu được báo cáo khi bắt đầu điều trị hoặc khi tăng liều donepezil. Thông tin kê đơn của các thuốc chứa donepezil đã cập nhật thông tin quan trọng về độ an toàn này.

Khuyến cáo dành cho người bệnh:

               Nếu có xuất hiện các triệu chứng của tiêu cơ vân hoặc hội chứng an thần kinh ác tính, cần ngừng ngay donepezil và liên lạc với bác sĩ hoặc dược sĩ. Triệu chứng của tiêu cơ vân bao gồm sốt, đau cơ hoặc khớp, suy nhược, buồn nôn và nước tiểu màu sẫm (như nước trà). Các triệu chứng của hội chứng an thần kinh ác tính bao gồm sốt cao, cứng cơ hoặc vận động chậm, thay đổi về ý thức như thao cuồng hay kích động, nhịp tim và mạch bất thường.          

Khuyến cáo dành cho cán bộ y tế:

               Trước khi kê donepezil, bác sĩ nên đánh giá các yếu tố nguy cơ của tiêu cơ vân, bao gồm: các rối loạn trên cơ, suy giáp không được kiểm soát, tổn thương gan thận hoặc bệnh nhân đang uống các các thuốc khác mà có khả năng gây tiêu cơ vân bao gồm các thuốc hạ cholesterol nhóm statin, thuốc an thần kinh, một số thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu chọn lọc và không chọn lọc serotonin. Cần ngừng điều trị donepezil nếu kết quả xét nghiệm creatinin kinase (CK) tăng cao hoặc có chẩn đoán xác định tiêu cơ vân hoặc hội chứng an thần kinh ác tính.

 

DS. Phan Tấn Thanh

(Nguồn: canhgiacduoc.org.vn)

 

 
Video