LIÊN KẾT CƠ QUAN - BAN NGÀNH

QR-code-BNV

 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

  07/04/2020 20:02        

HỖ TRỢ TÂM LÝ VỚI RỐI LOẠN STRESS SAU SANG CHẤN “Post-Traumatic Stress Disorder” (PTSD)

Xã hội đã và đang trong giai đoạn phát triển, cuộc sống con người ngày càng đối diện với nhiều căng thẳng, áp lực và có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe về tâm thần hiện nay nên việc chú trọng kết hợp phương hướng mới trong quá trình chăm sóc và điều trị là vô cùng cần thiết. Sự kết hợp liệu pháp hóa dược và trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, đối diện, hòa nhập với cuộc sống một cách tốt hơn. Trong đó, trị liệu tâm lý đóng một vai trò khá quan trọng như trong việc chẩn đoán xác định bệnh lý và điều trị với bệnh nhân có các vấn đề: trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn về hành vi, ám ảnh, rối loạn stress sau sang chấn…Liệu pháp tâm lý có nhiều kỹ thuật và liệu pháp mới áp dụng cho việc điều trị hiệu quả cho bệnh nhân có vấn đề sức khỏe tâm thần mà nguyên nhân từ tâm lý, nó giúp người bệnh có các kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống, hạn chế tối đa khả năng tái phát bệnh.

Một trong những chương trình quan trọng đã được triển khai ở Việt Nam “Thảm họa và chấn thương trong cuộc sống của Trẻ em. Hỗ trợ về Sức khỏe Tâm thần và tâm lý xã hội (MHPSS-102 và 103) trong các trường hợp khẩn cấp. Sức khỏe Tâm thần và Hỗ trợ Tâm lý ở trẻ em” được các chuyên gia tâm lý học lâm sàng của trung tâm tâm lý khủng hoảng Na- Uy tập huấn. Chương trình cung cấp nhiều thông tin, kết quả trong việc hỗ trợ điều trị đối với các nạn nhân trong thảm họa của tổ chức này ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Mỹ, rối loạn stress sau sang chấn xuất hiện ở khoảng 1 - 3% trong nhóm dân chúng bình thường và 5 - 7% trong nhóm nguy cơ cao (ví dụ như binh lính tham gia chiến đấu, người dân sống trong vùng chiến sự …), tỷ lệ mắc bệnh trọn đời của người trưởng thành là 7,8%, với phụ nữ 10,4% và nam giới 5% mắc PTSD vào một thời điểm nào đó trong đời. 60,7% nam giới và 51,2% nữ giới xác nhận có ít nhất một sự kiện sang chấn xảy đến với mình. Ở thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ này trong nhóm dân chúng bình thường là 0,56% (nghiên cứu dịch tể về tần suất các loại bệnh tâm thần ở dân số chung tại TP. HCM do Trung tâm sức khỏe tâm thần thực hiện năm 1998) và trong nhóm nguy cơ cao là 6% (Khảo sát sơ bộ về rối loạn stress sau chấn thương trong cộng đồng dân cư đã từng sống ở những vùng xảy ra chiến tranh tại TP.HCM trước năm 1975 do Trung tâm sức khỏe tâm thần thực hiện năm 2001). Những sự kiện gây ra PTSD rất đa dạng. Nó có thể bao gồm những trải nghiệm chiến tranh, bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất thời thơ ấu, cưỡng dâm, thiên tai... Có lẽ nguyên nhân thường xuyên nhất của PTSD là do tai nạn giao thông: khoảng 20% những người từng bị tai nạn giao thông có dấu hiệu của PTSD ở một mức độ nào đó (Ehler và cs. 1998). Khoảng 1% dân số mắc phải PTSD ở một thời điểm nào đó (Kessler và cs. 1995). Đối với những nhóm thường xuyên phải chứng kiến các sự kiện sang chấn, tỉ lệ người mắc PTSD là cao hơn nhiều. Bennett đã tìm thấy rằng 20% nhân viên cấp cứu gặp phải PTSD trong khi tỉ lệ này ở nhóm cựu binh trong chiến tranh Việt Nam là 30% đối với nam giới và 27% đối với nữ giới (Kulka và cs. 1990). PTSD thường bắt đầu trong vòng vài tuần sau sự kiện. Tuy nhiên, PTSD cũng có thể xuất hiện trở lại sau khi những triệu chứng đã nhạt phai nhưng do một sang chấn khác hoặc những sự kiện khác nhau trong cuộc sống liên quan đến việc sang chấn, mất mát người thân và thay đổi tình trạng sức khoẻ.

Hậu quả của PTSD trên người bị ảnh hưởng cũng như trong xã hội là đáng kể. Một minh chứng là những nghiên cứu đã cho thấy bệnh nhân bị PTSD chiếm ngày càng nhiều trong những ca tự tử và nhập viện. Nhóm bệnh nhân này cũng thấy có sự gia tăng về tình trạng nghiện rượu và thuốc kích thích. Ngoài ra, những người là nạn nhân của các hành động phạm pháp thường cần phải có sự giúp đỡ về y tế tích cực hơn bình thường. Điều quan trọng nhất là 1/3 số bệnh nhân bị PTSD sẽ biểu hiện các triệu chứng liên quan trong vòng 10 năm sau sang chấn. Phần lớn nhóm người này cũng gặp phải nhiều vấn đề về tâm thần, hôn nhân, nghề nghiệp, kinh tế và sức khỏe (BS. Đào Chum - Rối loạn stress sau sang chấn). Do đó, sau khi bị sang chấn, hệ thống đề kháng bình thường bị không ổn định về chức năng dẫn đến một số triệu chứng. Có 3 nhóm triệu chứng này:

1. Gợi nhớ về các ký ức/trải nghiệm về sự kiện gây sang chấn: Người bệnh có những hồi tưởng khó cưỡng lại được về các biến cố gây sang chấn, đôi khi sự kiện có cảm giác như hiện diện ngay trong thực tại, ác mộng, thậm chí bệnh nhân có thể nghe tiếng nói trong đầu, nghe tiếng ai đó gọi tên mình mà không có ai bên cạnh (ảo thanh), thấy cái bóng đi qua hay cảm tưởng có ai đứng sau lưng mình (ảo thị). Vì vậy, tâm lý cần phải sử dụng một số kỹ năng và kỹ thuật sau để hỗ trợ bệnh nhân vượt qua khó khăn này như: giáo dục và bình thường hóa các phản ứng thông thường; Hướng dẫn các kỹ thuật để làm chủ những hình ảnh và suy nghĩ  ám ảnh (Kỹ thuật màn hình, bàn tay và khoảng cách, hình ảnh đối lập tích cực, khóa lại mà hình, các hỗ trợ tưởng tượng, tắt màn hình đi).

2. Tăng phản ứng/tăng nhạy cảm: Họ trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích, dễ giật mình, khó đi vào giấc ngủ và dễ mất ngủ, dễ cáu gắt, giận dữ. Người mắc PTSD có thể biểu hiện các dấu hiệu của các vấn đề về cảm xúc khác như có cảm giác tuyệt vọng, trầm cảm, mặc cảm tội lỗi (điều hay xảy ra trong một biến cố có tính tập thể có một số người bị chết và những người còn sống cảm thấy mặc cảm). Với nhóm triệu chứng này, tâm lý sẽ sử dụng tác động vào phần tăng phản ứng/tăng nhạy cảm: giúp bệnh nhân nhận biết được những gì diễn ra trong cơ thể khi bệnh nhân sợ hãi; nhận biết về sự liên kết giữa cảm giác tinh thần và cảm giác cơ thể. Đồng thời sử dụng các kỹ năng như huấn luyện thư giãn, lên lịch hoạt động, quản lý giấc ngủ.

3. Né tránh: Bệnh nhân cố gắng không suy nghĩ hay đề cập những vấn đề liên quan đến biến cố, tránh xa bất cứ điều gì gợi nhắc lại đến sự kiện sang chấn. Ví dụ một phụ nữ từng bị cưỡng hiếp vào buổi đêm có thể sẽ từ chối không ra đường khi trời tối kể cả khi thực sự an toàn. Tâm lý cần giúp họ đương đầu với vấn đề và nỗi sợ của bản thân chứ không tránh né như: gợi nhớ về chấn thương sau đó giúp bệnh nhân phân cấp sợ hãi; lập kế hoạch tiếp cận; đồng thời giúp bệnh nhân nhận biết né tránh có ích và không có ích với các kỹ thuật (vẽ, viết, nói).

Như vậy, PTSD là sự sợ hãi và lo âu khi phải trải qua, chứng kiến hay đối mặt với sự kiện tác động mạnh mẽ trực tiếp đến người bệnh và phản ứng của bệnh nhân là sự khiếp sợ, bất lực và điều quan trọng nhất là những kỹ thuật tâm lý trên có ý nghĩa kiểm soát sự sợ hãi, đau khổ và làm cô lập sang chấn, ngăn chặn cơn hoảng sợ, chấp nhận sự kiện, chấp nhận thực tế cuộc sống bị ảnh hưởng bởi stress và đương đầu với những căng thẳng của chính họ để ngăn chặn các vấn đề khác nảy sinh như tự sát. Ngoài những chiến lược trên cần nên có thêm chiến lược phòng ngừa tái phát: giúp bệnh nhân nhận biết trong tương lai các vấn đề này nó có thể trở lại và bệnh nhân nên thực hiện các kỹ năng đã được học để vượt qua. Nhấn mạnh và khuyến khích bệnh nhân luôn luôn thực hành các kỹ năng đã được học để tạo thành một thói quen tích cực. Cho bệnh nhân thông tin về nơi bệnh nhân sẽ nhận được sự hỗ trợ khi bản thân bệnh nhân không thể vượt qua được (đường dây nóng của bệnh viện, bệnh viện, phòng tâm lý…) luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

1. Tài liệu hỗ trợ về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội (MHPSS - 102, 103) Mental Health and Psychosocial Support (MHPSS-102,103) Training in Emergencies child Mental Health and PsychosocialSupport.

2. Post-Traumatic Stress Disorder: The Management of PTSD in Adults and Children in Primary and Secondary Care. (Kessler và cs. 1995).

3. Persisting Posttraumatic Stress Disorder Symptoms and their Relationship to Functioning in Vietnam Veterans: A 14-Year Follow-Up. (Kulka và cs. 1990).

4. A prospective investigation of the role of cognitive factors in persistent Posttraumatic Stress Disorder (PTSD) after physical or sexual assault. (Ehler và cs. 1998).

5. http://vi.wikipedia.org/wiki/Rối_loạn_stress_sau_sang_chấn.

6. Một số tài liệu khác trong và ngoài nước.

 

Người viết bài

   Nguyễn Thị Kim Dung

 
Thông báo
Video