Ở Việt Nam trước quá trình đổi mới và đô thị hóa ngày càng gia tăng, sức ép của công việc và những biến đổi xã hội tác động lên đời sống tình cảm của các cá nhân khác nhau có thể dẫn đến những biến đổi cảm xúc, sai lệch hành vi, biến đổi nhân cách, ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần của con người. Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần không chỉ của đội ngũ bác sĩ tâm thần mà còn là của các nhà tâm lý trị liệu nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp cá nhân có được cuộc sống một cách tốt nhất trong hoàn cảnh của họ, ngay cả khi hoàn cảnh đó rất khắc nghiệt khó khăn. Vì vậy, việc trị liệu tâm lý ngày càng có vai trò quan trọng. Vậy trị liệu tâm lý là gì?
Tâm lý trị liệu khác với việc khám, chữa bệnh bằng thuốc như chúng ta thường nghĩ “Bệnh thì đi khám và cho thuốc uống là hết bệnh”. Tâm lý trị liệu với các dịch vụ hỗ trợ là dựa trên việc ứng dụng những kiến thức và kỹ năng của nhiều chuyên ngành liên quan như tâm lý học, tâm bệnh học, giáo dục học… để giúp đỡ những người có vấn đề khó khăn về sức khỏe tinh thần.
Trị liệu tâm lý rất hiệu quả trong điều trị bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, rối loạn nhân cách và một số rối loạn tâm thần khác. Trong nhiều trường hợp, sự phối hợp giữa trị liệu tâm lý với điều trị thuốc có hiệu quả cao vì trị liệu tâm lý giúp nâng cao trạng thái cảm xúc, giúp người bệnh tham gia vào những hoạt động tích cực hơn trong quá trình điều trị để đạt được kết quả tốt nhất.
Theo Alexander, tâm lý trị liệu thực sự không phải là việc gì đó quá mới mẻ, xa lạ hoặc vượt quá tầm hiểu biết của tất cả chúng ta “Bất kỳ ai đang cố gắng cảm thông với một người bạn đang đau khổ hoặc cố trấn an một đứa trẻ đang hoảng sợ, thì cũng có thể xem người ấy đang thực hành tâm lý trị liệu. Người đó đang cố gắng vận dụng các phương thức tương tác về mặt tâm lý để bảo tồn trạng thái thăng bằng về mặt cảm xúc ở một người khác. Những cách thức thông thường này chủ yếu được dựa trên những sự hiểu biết có tính trực giác hơn là sự hiểu biết có tính khoa học. Khi bạn đang nói chuyện với ai đó đang có tâm trạng phiền muộn, bạn cũng có thể tự nhiên hiểu được tác dụng tốt của việc giúp cho người ấy giải tỏa cảm xúc. Với một người đang trong trạng thái hoảng sợ, quẫn trí, bạn cũng có thể (bằng sự hiểu biết có tính trực giác) mang đến cho người ấy sự hỗ trợ về mặt cảm xúc bằng những lời khuyên và một thái độ vững chãi để người ấy có thể tin tưởng nương tựa vào bạn. Bạn vốn cũng có thể đã biết rằng khi một người đang bị chìm ngập trong một tình huống có tính nguy hiểm, đáng sợ thì người ấy không thể sử dụng được lý trí của mình một cách hiệu quả, và bạn cần giúp anh ta ổn định bằng cách nâng đỡ về mặt tâm lý. Trong lúc nói chuyện với người ấy về hoàn cảnh khách quan mà anh ta đang đương đầu, bạn có thể cho anh ta ‘mượn’ công cụ lý trí của chính bạn để sử dụng. Khi làm tất cả những việc này, chúng ta đã thực hành một sự phối hợp giữa hai công việc có tính chất chữa trị, một là nâng đỡ (supportive), hai là thấu hiểu (insight)”. Alexander đã định nghĩa tâm lý trị liệu "không gì khác hơn ngoài việc áp dụng một cách có hệ thống, một cách có ý thức những phương pháp mà chúng ta áp dụng để ảnh hưởng lên những người sống xung quanh chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Sự khác biệt quan trọng nhất là ở chỗ: nó không đơn thuần dựa trên những sự hiểu biết có tính trực giác mà thay vào đó là phải có sự thiết lập tốt các nguyên lý chung về tâm lý động học (psychodynamics)" (Sđd. – tr.110).
Theo Goffman, khác với sự giúp đỡ từ một người thân quen thường gặp trong đời sống, "sự hỗ trợ trong tâm lý trị liệu được tiến hành bởi một nhà trị liệu được đào tạo chuyên nghiệp để có thể làm chức năng hỗ trợ người khác mà không nhất thiết phải trở nên gắn kết với thân chủ của mình về mặt đời sống riêng tư" (Goffman, 1962).
Theo James Bugental, tâm lý trị liệu không liên quan đến điều bạn suy nghĩ là gì, nó liên quan đến cách thức mà bạn suy nghĩ và tâm lý trị liệu không làm việc trên những điều bạn suy nghĩ vì:
- Đó không hẳn là việc chữa lành một căn bệnh. Đó không phải là sự hướng dẫn của một nhà thông thái. Đó không phải là sự chia sẻ giữa hai người bạn thân. Đó cũng không phải là một quá trình học hỏi những kiến thức.
- Đó là sự làm việc trên cách thức mà bạn suy nghĩ. Nó làm cho bạn chú ý đến cách thức mà bạn suy nghĩ. Nó phân biệt rõ giữa những điều bạn đang suy nghĩ đến và cách thức mà bạn thực hiện sự suy nghĩ ấy. Tâm lý trị liệu ít quan tâm đến việc tìm kiếm những nguyên nhân để giải thích những gì bạn đang làm, nó quan tâm đến việc khám phá ý nghĩa từ những việc mà bạn đang làm.
- Nó liên quan đến cách thức mà bạn sống với những tình cảm của mình. Nó liên quan đến những quan điểm bạn áp dụng vào trong những mối quan hệ của bạn với những người xung quanh. Nó liên quan đến những điều bạn muốn đạt đến trong đời và cách thức mà bạn cố gắng để đạt đến những mục đích ấy. Nó liên quan đến các nguồn lực giúp đỡ để bạn có thể tìm thấy những tiềm năng thay đổi trong con người bạn.
Như vậy, tâm lý trị liệu là những can thiệp nhằm giúp đỡ những người có vấn đề khó khăn về mặt tinh thần trong đời sống. Các can thiệp này được thực hiện bởi những người có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt gọi là nhà tâm lý trị liệu. Mục đích của tâm lý trị liệu là nhằm hướng đến việc giúp cho thân chủ (một đứa trẻ, một thiếu niên hoặc một gia đình) hoặc những người bệnh với những trải nghiệm đau khổ, khó khăn về tinh thần có cơ hội để giải bày cảm xúc, thấu hiều bản thân, học tập những kỹ năng mới và đồng thời càng lúc càng gia tăng những cảm nhận tích cực về cuộc sống và về bản thân giúp bệnh nhân tìm hiểu chính họ, tạo nên một cái nhìn mới về các mối quan hệ trong quá khứ và hiện tại, thay đổi những hành vi đã định hình của người bệnh.
Người viết: ThS. Nguyễn Thị Kim Dung
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Individual Psychotherapy, Alexander, 1964, trang 110
2. Psychotherapy.net interview with James Bugental, PhD, an excerpt from his book, Psychotherapy Isn’t What You Think, and several related articles. www. Psychotherapy.net
3. Bugental, J. F. T. (1999). Psychotherapy isn’t what you think: Bringing the psychotherapeutic engagement into the living moment (Prologue). https://www.psychotherapy.net/article/bugental#section-prologue