1. Vì sao phải phục hồi chức năng Tâm thần cho bệnh nhân:
Hoạt động là những điều bình thường và quen thuộc mà người ta làm hằng ngày, bao gồm nhiều khía cạnh: Công việc, tự chăm sóc, vui chơi, giải trí, các hoạt động này luôn được cân bằng.
Đối với bệnh nhân tâm thần do một số triệu chứng bệnh, người bệnh hay thu mình, ít hoạt động, lâu dần sẽ bị giảm hoặc mất các kỹ năng như: kỹ năng sống cơ bản, lao động, giao tiếp hoặc mất hứng thú trong các hoạt động vui chơi giải trí. Để giúp cân bằng các hoạt động và trị liệu cho bệnh nhân, chúng ta sử dụng các hoạt động như một công cụ hay phương tiện trung gian nhằm phục hồi các chức năng tâm thần cho bệnh nhân gọi là Liệu pháp hoạt động. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý thì Liệu pháp hoạt động luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Liệu pháp hoạt động có đặc thù riêng với từng hoạt động, tùy theo đối tượng bệnh nhân mà hoạt động sẽ đạt được mục tiêu khác nhau:
- Giải trí
- Sản xuất
- Trị liệu
Căn cứ vào mục tiêu của điều trị, mỗi hoạt động liệu pháp đều có những nguyên tắc và khuôn khổ riêng.
2. Vai trò của Liệu pháp hoạt động:
- Thúc đẩy các nhu cầu và sự quan tâm của cá nhân bệnh nhân
- Phục hồi sức khỏe tâm thần và nâng cao sức khỏe cơ thể
- Gia tăng sự tự tin, ý chí vì sức khỏe của cá nhân để chống lại bệnh tật
- Giảm các triệu chứng, hướng bệnh nhân về cuộc sống thực tại
- Có khả năng tự chăm sóc bản thân, tái thích ứng với xã hội
- Duy trì các hoạt động tránh tình trạng phụ thuộc vào bệnh viện hoặc gia đình sau khi xuất viện
- Cải thiện và phát huy các mặt: Khả năng tập trung chú ý, sự biểu lộ, tính tổ chức, khả năng độc lập.
3. Nhân viên hoạt động liệu pháp đóng vai trò:
- Đánh thức những cảm xúc, suy nghĩ của bệnh nhân
- Nhận diện và làm giảm các rào cản để thực hiện họat động liệu pháp, nhằm thu thập thông tin về suy nghĩ và cảm xúc của bệnh nhân một cách tự nhiên để lấy ra kết luận cho các nhà điều trị
- Dạy cho bệnh nhân các kỹ năng mới
- Nhân viên hoạt động liệu pháp thích ứng hoặc thay đổi các hoạt động hay môi trường để làm gia tăng khả năng tiếp cận của bệnh nhân với ý nghĩa:
+ Tập trung trên hoạt động
+ Bệnh nhân là trung tâm
+ Sử dụng việc thiết lập mục đích
+ Đánh giá cá nhân, môi trường và hoạt động để đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp
4. Kết quả đạt được:
Hiện nay, tại cộng đồng bệnh nhân tâm thần vẫn còn bị kỳ thị và cho họ là người bỏ đi bởi hành vi kỳ dị và sự thu rút ít tiếp xúc của bệnh nhân. Công việc phục hồi chức năng tâm thần giúp bệnh nhân lấy lại được các kỹ năng đã giảm hoặc mất đi, biết cách giao tiếp phù hợp, tự chăm sóc bản thân, tham gia lao động, trang bị kỹ năng thích ứng và hiểu biết một số kiến thức xã hội để khi bệnh nhân về với gia đình, với xã hội dễ thích nghi và hòa nhập, như vậy cái nhìn của xã hội sẽ khác đi, bệnh nhân được mọi người tôn trọng hơn, gia đình tin tưởng, hợp tác điều trị, bệnh nhân có động lực tuân thủ điều trị, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội./.
Người viết
ĐD. Nguyễn Thị Thu Hương