Liệu pháp làm vườn có lịch sử xuất phát từ nước Pháp. Sau thế chiến thứ 2, do kinh tế khó khăn, ở các bệnh viện tâm thần, bệnh nhân và nhân viên cùng lao động, sản xuất, trong quá trình thực hiện người ta phát hiện tình trạng bệnh của bệnh nhân được cải thiện hơn thông qua liệu pháp làm vườn.
Liệu pháp làm vườn là một hoạt động liệu pháp trong đó tích hợp các hoạt động làm vườn vào tiến trình chăm sóc, giáo dục, chống lại bệnh tật của bệnh nhân. Nó được xem như là một công cụ thúc đẩy cho sự tự chủ, tính trách nhiệm và cảm giác khỏe mạnh cho bệnh nhân.
Việc làm vườn và quá trình tiếp xúc với thiên nhiên giúp bệnh nhân cải thiện nhiều mặt. Thông qua các hoạt động khác nhau của việc làm vườn, bệnh nhân có thể duy trì và rèn luyện trí nhớ, sự chú ý và không đòi hỏi sự nỗ lực. Giúp bệnh nhân định hướng không gian và thời gian, đồng thời đó cũng là một nguồn thư giãn, giúp bệnh nhân quên bớt thời gian rãnh, quên bớt các vấn đề cá nhân của họ và tập trung vào công việc làm vườn mà họ đang chăm sóc.
Đây cũng là một hoạt động kích thích và phong phú. Bởi vì nó cho phép bệnh nhân sử dụng cả 5 giác quan của mình. Ở các bệnh nhân mà các phương tiện biểu lộ bị rối loạn, liệu pháp làm vườn cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho sự biểu lộ các cảm xúc, các tình cảm, giúp cải thiện và duy trì sự giao tiếp ở bệnh nhân. Những sản phẩm của hoạt động làm vườn sẽ được sử dụng và có ích cho mọi người nên hoạt động làm vườn là một nguồn lớn làm tăng giá trị cho bệnh nhân.
Liệu pháp vườn hiện nay đã và đang được ứng dụng tại một số nước trên thế giới trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần, tại Việt Nam, liệu pháp này đã được đề cập đến tuy nhiên chưa được thực hiện một cách chính thống. Từ năm 2014, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa đã đưa liệu pháp vườn vào trong điều trị cho bệnh nhân nội trú, với mô hình đầu tiên là hình thức trồng trọt truyền thống, đây là mô hình gần gũi, thuận lợi cho bệnh nhân.
Hình 1. Mô hình làm vườn truyền thống
Hàng ngày bệnh nhân được nhân viên liệu pháp và điều dưỡng hướng dẫn thực hiện theo quy trình nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị một cách tốt nhất cho bệnh nhân. Qua thời gian dài tiến hành, Bệnh viện ghi nhận liệu pháp vườn giúp bệnh nhân có cơ hội tiếp xúc với môi trường thiên nhiên, tạo sự thoải mái, phấn khởi cho bệnh nhân, giúp cải thiện sức khỏe, bệnh nhân cảm thấy phấn khởi khi được tự trồng cây, thấy cây lớn lên và thấy tự hào vì chúng có giá trị sử dụng đối với bản thân cũng như người khác. Hình thành sự tuân thủ về thời gian ở một số bệnh nhân, tăng tính trách nhiệm, thay đổi hành vi thụ động, nằm nhiều, tích cực tham gia hoạt động. Tăng kỹ năng phối hợp với bệnh nhân khác, kỹ năng thảo luận nhóm, giảm triệu chứng nói một mình, run tay khi tham gia hoạt động.
Từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện tiếp tục triển khai thêm các mô hình mới cho liệu pháp vườn là thủy canh, aquaponics và tháp rau, đây là 3 mô hình ứng dụng công nghệ vào việc trồng rau, hướng bệnh nhân đến việc bảo vệ môi trường và phù hợp cho những bệnh nhân có gia đình ở thành phố. Bên cạnh đó, vào năm 2016 Bệnh viện cũng triển khai mô hình trồng nấm, đây là mô hình dạy nghề, giúp bệnh nhân hình thành kỹ năng lao động và định hướng công việc sau khi xuất viện. Khi tham gia mô hình trồng nấm bệnh nhân được tính công và chi trả hàng ngày theo định mức đã thỏa thuận.
Tất cả sản phẩm của các mô hình trong liệu pháp vườn đều được cung cấp cho bếp ăn tình thương bệnh viện và cho các cá nhân có nhu cầu. Tiền thu được từ việc bán sản phẩm vườn được đưa vào quỹ hoạt động cho bệnh nhân tại Bệnh viện và vốn phát triển liệu pháp vườn trong tương lai.
Mặc dù tiền công được chi trả chỉ mang tính khích lệ và ghi nhận giá trị bản thân của bệnh nhân nhưng có một ý nghĩa vô cùng lớn trong công tác phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện. Chính vì vậy, mỗi ngày đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân vẫn cùng chung tay chăm sóc và phát triển các mô hình liệu pháp vườn ngày các xanh tươi và đa dạng, góp phần tạo cảnh quan bệnh viện xanh - sạch - đẹp và môi trường điều trị thân thiện, trong lành.
Tài liệu tham khảo:
1. Khóa tập huấn liệu pháp vườn của bà Brigitte tháng 12/2013 tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa)
2. Stress rehabilitation through garden therapy: A caregiver perspective on factors considered most essential to the recovery process, Urban Forestry & Urban Greening, Editor-in-Chief: Wendy Y. Chen
3. Stress rehabilitation through garden therapy: The garden as a place in the recovery from stress, Urban Forestry & Urban Greening, Anna A. Adevi
- Người viết: CN. Nguyễn Thị Nhã Phương -