LIÊN KẾT CƠ QUAN - BAN NGÀNH

Chung nhan Tin Nhiem Mang

  07/04/2020 19:13        

NƠI ƯƠM MẦM HẠNH PHÚC…

       “Rừng núi dang tay nối lại biển xa…” tiếng hát của những bệnh nhân vang lên trong sân chơi đa năng làm tôi bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian cách đây hơn 10 năm, những ngày đầu Bệnh viện hình thành Khoa Hoạt động Liệu pháp.

       Lúc ấy, vào tháng 6 năm 2000, Khoa Tâm thần thuộc Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Khánh Hòa được chuyển về xã Diên Phước, nơi trước đây là Trung tâm Y tế Diên Khánh được sửa sang lại cho phù hợp. Thời gian đầu Bệnh viện có chỉ tiêu 50 giường bệnh, Lãnh đạo Sở Y tế lo lắng lên thăm thường xuyên để xem tình hình bệnh nhân nhập viện điều trị ra sao. Vậy mà sau 16 năm, Bệnh viện chỉ tiêu giường bệnh đến nay đã là 140 nhưng số lượng bệnh nhân điều trị luôn là từ 140 đến 170.

       Bệnh nhân trước đây chỉ được điều trị bằng thuốc, hoạt động hàng ngày của bệnh nhân chỉ là nằm, ngồi trong phòng hoặc đi lang thang trong khuôn viên Bệnh viện, chọc ghẹo, lục lọi đồ ăn của nhau, gây sự tranh chấp đánh nhau. Trước tình hình đó BS. Đặng Duy Thanh nung nấu trong lòng tìm cho Bệnh viện một định hướng điều trị để bệnh nhân hồi phục các kỹ năng do triệu chứng bệnh làm giảm hoặc mất đi. Vì vậy, BS Thanh đã xin đi học tập tạị Mỹ. Khi được Sở Y tế bổ nhiệm vị trí Giám đốc Bệnh viện, BS Thanh đã ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh hoạt động. Tôi được phân công làm Tổ trưởng cùng 2 điều dưỡng khác, khi đó chúng tôi chưa hiểu hết vai trò của mình là như thế nào, chúng tôi chỉ biết hàng ngày tập trung bệnh nhân cho họ vui chơi ca hát để giải trí. Tôi hay tâm sự với bạn bè, người thân về băn khoăn của mình nên được một người em gợi ý “cho bệnh nhân làm nghề thủ công đi chị”, tôi băn khoăn vì không biết bệnh nhân của mình có làm được không? Nhưng tôi cũng mạnh dạn xin ý kiến lãnh đạo và được đồng ý. Người em đã đóng khung gỗ và hướng dẫn cho nhân viên đan khăn quàng cổ bằng len cuộn. Khi hướng dẫn cho bệnh nhân chúng tôi bất ngờ vì bệnh nhân học và làm được tốt hơn mong đợi. Từ đó, chúng tôi thêm tự tin tìm tòi nhiều nghề thủ công khác để hướng dẫn cho bệnh nhân. Cho đến nay, sản phẩm của bệnh nhân đã được trưng bày và bán khắp nơi.

       Không dừng lại ở đó, chúng tôi được Ban lãnh đạo cử đi tham quan học tập các cơ sở phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Hà Nội như Trung tâm Sao Mai, Bệnh viện ban ngày Mai Hương, Phòng khám Tuna. Tổ Hoạt động Liệu pháp đã có nhiều hoạt động cho bệnh nhân thực hiện nhưng hoạt động phục vụ cho phục hồi chức năng tâm thần bệnh nhân vẫn chưa có nhiều. Năm 2010 Bệnh viện chúng tôi được các chuyên gia từ Pháp đến hướng dẫn một số hoạt động liệu pháp để thực hiện cho bệnh nhân. BS. Thanh đã mạnh dạn xin Sở Y tế được phép tuyển dụng giáo viên giáo dục đặc biệt để can thiệp cho trẻ đồng thời thực hiện các hoạt động liệu pháp cho bệnh nhân nhân lực của Tổ từ đó phát triển dần. Hiện nay, Tổ Hoạt động Liệu pháp đã được nâng cấp thành Khoa như các khoa điều trị khác, có 17 thành viên, chúng tôi đã triển khai được 45 hoạt động như:

       Liệu pháp vườn, kỹ năng thích ứng xã hội, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục hồi kiến thức xã hội, kỹ năng sống cơ bản, hoạt động sản xuất. Ngoài ra còn tư vấn tâm lý cho người nhà và bệnh nhân để người nhà hiểu hợp tác với nhân viên và bệnh nhân biết để tuân thủ điều trị.

100% bệnh nhân được điều trị theo ê - kíp đầy đủ chuyên môn gồm Bs Tâm thần, Điều dưỡng, nhân viên Hoạt động Liệu pháp và tùy theo tình huống có thể có cả nhân viên Tâm lý. Mỗi tuần các ê - kíp họp đưa ra hướng điều trị cho bệnh nhân về thuốc, chăm sóc, các hoạt động trị liệu. Với phương pháp điều trị như vậy bệnh nhân được chăm sóc một cách toàn diện.

       Hình ảnh bệnh nhân sáng ra chăm sóc vườn, tham gia các hoạt động tại xưởng nấm, tham gia các hoạt động tại Khoa Hoạt động Liệu pháp và sân chơi đa năng có quán café đã khác rất nhiều so với hình ảnh trước đây bệnh nhân nằm, ngồi trì trệ, phá phách, bệnh nhân đã hình thành thói quen lao động, tham gia các hoạt động, tự giác giữ vệ sinh, cảm xúc và hành vi phù hợp hơn, bệnh nhân rất vui khi được ăn các sản phẩm do chính bàn tay lao động của mình.

       Chúng tôi mong mọi người đừng bao giờ thờ ơ với bệnh nhân tâm thần, đừng nghĩ bệnh nhân là người bỏ đi. Hãy kiên trì và hy vọng, hãy cùng nhau giúp bệnh nhân lấy lại được kỹ năng của mình để họ không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội./.

Người viết. ĐD. Nguyễn Thị Thu Hương

 
Video