LIÊN KẾT CƠ QUAN - BAN NGÀNH

Chung nhan Tin Nhiem Mang

  21/05/2021 14:52        

VỆ SINH TAY, VIỆC LÀM NHỎ LỢI ÍCH TO

- CN. Nguyễn Lê Tuyết Oanh và các điều dưỡng -

          Vệ sinh tay là một hoạt động được mỗi người chúng ta thực hiện hàng ngày bởi nó đơn giản và dễ dàng thực hiện. Có nhiều phương cách vệ sinh tay như rửa tay với nước, với xà phòng hay với cồn (sát khuẩn tay nhanh). Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ một động tác rửa tay sạch và đúng cách bằng xà phòng có thể giảm đến 35% nguy cơ lây truyền bệnh tiêu chảy và phòng chống nhiều bệnh khác. Một trong 5 K sống chung an toàn trong đại dịch Covid - 19 mà Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân đó là hoạt động KHỬ KHUẨN. Vệ sinh tay đúng, hiệu quả là cách chúng ta bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.

         

          Mốc lịch sử của vệ sinh tay bắt nguồn từ Châu Âu và Mỹ vào thế kỷ thứ XIX, 25% bà mẹ sinh con tại bệnh viện đã tử vong do sốt hậu sản. Nguyên nhân là do vi khuẩn Streptococcus. Năm 1843, bác sĩ Oliver Wendell Holmes (Mỹ) yêu cầu một bác sĩ của khoa sản (nơi ông làm việc) nghỉ việc một tháng sau 2 trường hợp bà mẹ tử vong mà ông cho rằng liên quan đến vệ sinh bàn tay của bác sĩ đó. Ý kiến của ông đã bị nhiều bác sĩ cùng thời phản đối. Vào những năm 1840, Bác sĩ Ignaz Semmelweis (1818-1865) công tác tại Bệnh viện đa khoa Vienne (Áo) khám phá ra sự khác biệt về tử lệ tử vong ở các bà mẹ sau sinh con giữa hai khoa sản của bệnh viện qua việc áp dụng kỹ thuật rửa tay. Năm 1879, tại một hội thảo khoa học ở Paris, bác sĩ Louis Pasteur đã lên tiếng: Nguyên nhân gây tử vong ở những bà mẹ bị nhiễm trùng hậu sản chính là các bác sĩ đã sử dụng bàn tay khám các bà mẹ bị bệnh rồi khám các bà mẹ mạnh khỏe. Sau đó, ông đã đưa ra Lý thuyết về “Mầm bệnh” và phương pháp tiệt khuẩn Pasteur được sử dụng tới ngày nay. Năm 1910, Bác sĩ Rosephine Baker (Hoa Kỳ) đã tổ chức khóa tập huấn đầu tiên giảng dạy về vệ sinh bàn tay cho những cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhi. Năm 1992, một báo cáo khoa học của New Enland công bố kết quả nghiên cứu về rửa tay tại khoa hồi sức cấp cứu. Năm 2008, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 15-10 hàng năm là ngày Thế giới rửa tay với xà phòng.

          Tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa chương trình vệ sinh tay được triển khai thực hiện với tất cả các đối tượng của Bệnh viện, từ nhân viên y tế đến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, khách đến thăm và liên hệ công việc. Vệ sinh tay nhằm mục tiêu giữ cho bàn tay luôn sạch, loại bỏ vi sinh vật gây bệnh trên tay, góp phần làm giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn Bệnh viện.

 

           

          Mỗi thứ ba và thứ năm hàng tuần tại phòng huấn luyện kỹ năng tất cả người bệnh đang điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng được điều dưỡng hướng dẫn thực hiện rửa tay thường quy theo đúng 6 bước của quy trình rửa tay do Bộ Y tế ban hành.

Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước, lấy xà phòng vào lòng bàn tay. Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.

Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.

Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).

Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).

Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

 

 

Đối với bệnh nhân tâm thần thì việc thực hiện và duy trì vệ sinh tay không phải là một điều đơn giản. Để bệnh nhân thực hiện đúng 6 bước lại là một thách thức không nhỏ. Mỗi hành vi vệ sinh tay của nhân viên y tế sẽ là hình ảnh minh họa cụ thể, rõ ràng để bệnh nhân bắt chước thực hiện. Các khoa dán hình ảnh quy trình rửa tay tại các lavabo, nhà vệ sinh. Đồng thời nhân viên y tế phải thường xuyên nhắc nhở, động viên bệnh nhân thực hiện. Tổ chức những buổi sinh hoạt bệnh nhân, tập cho bệnh nhân “vũ điệu rửa tay”, thông qua lời hát và vũ điệu giúp bệnh nhân dễ dàng ghi nhớ để thực hiện theo. Trong các buổi tư vấn tâm lý hay họp nhóm bệnh nhân, cùng nhau phân tích, chia sẻ những lợi ích của việc vệ sinh tay để bệnh nhân có thêm kiến thức, hiểu biết duy trì thực hiện vệ sinh tay không chỉ tại Bệnh viện nhưng có thể thực hành khi trở về với cộng đồng.

“Gieo hành động gặt thói quen,

Gieo thói quen gặt tính cách,

Gieo tính cách gặt số phận.”

Mỗi chúng ta hãy cùng nhau gieo hành động vệ sinh tay để góp phần nhỏ trong việc bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng chiến thắng đại dịch Covid - 19. Đồng thời mỗi người là một cánh tay nối dài cổ vũ vệ sinh tay đến mọi người xung quanh tạo nên một sức mạnh tổng hợp vượt qua đại dịch toàn cầu.

 
Video