LIÊN KẾT CƠ QUAN - BAN NGÀNH

QR-code-BNV

 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

  07/04/2020 19:07        

Ngày quốc tế Điều dưỡng 12 tháng 5

1. Lời mở đầu

Điều dưỡng một nghề cao quý mà mỗi chúng ta cần trân trọng, bảo vệ và giữ gìn như viên ngọc quý. Trải qua bao thăng trầm từ những vị đầu tiên khai sinh nên nghề, chúng ta hôm nay, những người trẻ ở một thời đại với các trang thiết bị, máy móc hiện đại chúng ta cần trân quý và tự hào về một lịch sử của nghề.

2. Sự hình thành lịch sử ngày Điều dưỡng Thế giới

Năm 60, Bà Phoebe (Hy Lạp) đã đến từng gia đình có người ốm đau để chăm sóc. Bà được ngưỡng mộ và suy tôn là người nữ điều dưỡng tại gia đầu tiên của thế giới.

Thế kỷ thứ 4, Bà Fabiola (La Mã) đã tự nguyện biến căn nhà sang trọng của mình thành bệnh viện, đón những người nghèo khổ đau ốm về để tự bà chăm sóc nuôi dưỡng.

Đến Thế kỷ thứ 16, chế độ nhà tù ở Anh và châu Âu bị bãi bỏ. Các tổ chức tôn giáo bị giải tán, dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng người chăm sóc bệnh nhân. Những người phụ nữ phạm tội, bị giam giữ được tuyển chọn làm điều dưỡng thay vì thực hiện án tù, còn những người phụ nữ khác chỉ chăm sóc gia đình mình thôi. Bối cảnh này tạo ra những quan niệm lệch lạc của xã hội đối với điều dưỡng.

Giữa Thế kỷ thứ 18 đầu thế kỷ thứ 19, việc cải cách xã hội đã thay đổi vai trò người điều dưỡng. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội nói chung cũng được cải thiện. Trong thời kỳ này, một phụ nữ người Anh đã được thế giới tôn kính và suy tôn là người sáng lập ra ngành điều dưỡng, đó là Bà Florence Nightingale (1820 – 1910).

https://drive.google.com/uc?id=1WD85SNnL_7UG1gIXgLa23aB3SwgqMPWw

Bà sinh ra trong một gia đình giàu có ở Anh nên được giáo dục chu đáo. Bà biết nhiều ngoại ngữ, đọc nhiều sách triết học, tôn giáo, chính trị. Ngay từ nhỏ, bà đã thể hiện thiên tính và hoài bão được giúp đỡ người nghèo khổ. Bà đã vượt qua sự phản kháng của gia đình để vào học và làm việc tại Bệnh viện Kaiserswerth (Đức) năm 1847. Sau đó bà học thêm ở Paris (Pháp) vào năm 1853. Những năm 1854-1855, chiến tranh Crimea nổ ra, Bà cùng 38 phụ nữ Anh khác được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ các thương binh của quân đội Hoàng gia Anh. Tại đây Bà đã đưa ra lý thuyết về khoa học vệ sinh trong các cơ sở y tế và sau hai năm Bà đã làm giảm tỉ lệ chết của thương binh do nhiễm trùng từ 42% xuống còn 2%. Đêm đêm, Florence một mình cầm ngọn đèn dầu đi tua, chăm sóc thương binh, đã để lại hình tượng người phụ nữ với cây đèn trong trí nhớ những người thương binh hồi đó. Chiến tranh chưa kết thúc, Florence đã phải trở lại nước Anh. “Cơn sốt Crimea” và sự căng thẳng của những ngày ở mặt trận đã làm cho bà mất khả năng làm việc. Bà được dân chúng và những người lính Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khỏe. Vì sức khỏe không cho phép tiếp tục làm việc ở bệnh viện, Florence đã lập ra Hội đồng quản lý ngân sách 50.000 bảng Anh vào năm 1860. Trường điều dưỡng Nightingale cùng với chương trình đào tạo 1 năm đã đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo điều dưỡng không chỉ ở nước Anh mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Để tưởng nhớ công lao của Bà và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà Florence đã dày công xây dựng. Hội đồng điều dưỡng thế giới đã quyết định lấy ngày 12 tháng 5 hàng năm, là ngày sinh của Florence Nightingale, làm ngày Điều dưỡng quốc tế. Bà đã trở thành người mẹ tinh thần của ngành điều dưỡng thế giới (1).

https://drive.google.com/uc?id=1yhPFDLExgWWjJzHrbe1NAn8KCg1ncI8t

3. Lịch sử của ngành điều dưỡng Việt Nam

3.1. Trước thời Pháp thuộc

3.1.1. Vai trò của người mẹ

Cũng như thế giới, từ xa xưa các bà mẹ Việt Nam đã chăm sóc, nuôi dưỡng con cái và gia đình mình. Bên cạnh những kinh nghiệm chăm sóc của gia đình, các bà đã được truyền lại các kinh nghiệm dân gian của các lương y trong việc chăm sóc người bệnh, biết dùng các cây thuốc nam để chữa bệnh,...

3.1.2. Người đặt nền móng cho y học cổ truyền Việt Nam

Hai danh y nổi tiếng thời xưa của dân tộc ta là Tuệ Tĩnh (Thế kỷ XIV) và Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (Thế kỷ XVIII) đã sử dụng phép dưỡng sinh để trị bệnh, đã phát hiện ra hàng trăm vị thuốc để điều trị bệnh có hiệu quả. Hai danh y này đã để lại cho nền y học nước ta một gia sản có giá trị lớn về y đức, y thuật Việt Nam.

3.1.3. Vai trò của các tôn giáo trong công tác điều dưỡng

Cuối Thế kỷ XV, nhiều đoàn giáo sĩ phương Tây đã đến Việt Nam vừa truyền đạo, vừa chữa bệnh cho các tín đồ. Một số giáo sĩ được mời vào cung vua để chữa bệnh cho các vua quan trọng triều đình. Cuối Thế kỷ XVII, linh mục Vachet người Pháp và linh mục Coffler người Bồ Đào Nha là hai giáo sĩ đầu tiên đặt nền móng y học và điều dưỡng phương Tây ở nước ta. Sau đó, các tu viện được thành lập, các trại chăm sóc cho người nghèo, trẻ mồ côi do các nữ tu đảm nhiệm. Việc chăm sóc mang tính nhân đạo, tự nguyện và không đòi hỏi thù lao.

3.2. Trong thời Pháp thuộc

Thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã xây dựng nhiều bệnh viện. Trước năm 1900, họ đã ban hành chế độ học việc cho những người muốn làm việc tại bệnh viện. Việc đào tạo không chính quy mà chỉ là cầm tay chỉ việc. Họ là những người giúp việc thạo kỹ thuật, vững tay nghề và chỉ phụ việc bác sĩ mà thôi.

Năm 1901, mở lớp nam y tá đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Quán, nơi điều trị bệnh tâm thần và bệnh phong.

Ngày 20-12-1906, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập ngạch nhân viên điều dưỡng bản xứ.

Năm 1910, lớp học dời về Bệnh viện Chợ Rẫy để đào tạo y tá đa khoa.

Ngày 1-12-1912, Công sứ Nam Kỳ ra nghị định mở lớp nhưng mãi đến năm 1923 mới mở Trường Y tá và ban hành ngạch bậc y tá bản xứ. Do chính sách của thực dân Pháp không tôn trọng người bản xứ và coi y tá chỉ là người giúp việc nên về lương bổng chỉ được xếp ở ngạch hạ đẳng.

Năm 1924, Hội Y tá Ái hữu và Nữ hộ sinh Đông Dương thành lập, người sáng lập là cụ Lâm Quang Thiêm, nguyên Giám đốc bệnh viện Chợ Quán. Chánh hội trưởng là ông Nguyễn Văn Mân. Hội đã đấu tranh với chính quyền thực dân Pháp yêu cầu đối xử công bằng với y tá bản xứ, chấp nhận cho y tá được thi chuyển ngạch trung đẳng, nhưng không được tăng lương mà chỉ được phụ cấp đắt đỏ.

Năm 1937, Hội Chữ thập đỏ Pháp tuyển sinh lớp nữ y tá đầu tiên ở Việt Nam. Lớp học tại 38 Tú Xương (hiện là Trung tâm điều trị trẻ suy dinh dưỡng).

3.3. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954)

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vừa mới thành lập đã phải bước ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngành Y tế non trẻ mới ra đời, với vài chục bác sĩ và vài trăm y tá được đào tạo thời Pháp thuộc. Lớp y tá đầu tiên được đào tạo 6 tháng do giáo sư Đỗ Xuân Hợp làm hiệu trưởng được tổ chức tại quân khu X (Việt Bắc). Những y tá vào học lớp này được tuyển chọn tương đối kỹ lưỡng. Sau đó Liên khu III cũng mở lớp đào tạo y tá.

Năm 1950, ta mở nhiều chiến dịch. Vì vậy nhu cầu chăm sóc thương bệnh binh tăng mạnh. Việc đào tạo y tá cấp tốc (3 tháng là phổ biến) đã cung cấp nhiều y tá cho kháng chiến. Để đáp ứng công tác quản lý, chăm sóc và phục vụ người bệnh trong những năm 1950. Cục Quản lý cũng đã mở một số lớp đào tạo y tá trưởng, nhưng chương trình chưa được hoàn thiện. Mặt khác, kháng chiến rất gian khổ, cơ sở vật chất nghèo nàn, thuốc men cũng rất hạn chế, nên việc điều trị cho bệnh nhân chủ yếu dựa vào chăm sóc và chính nhờ điều dưỡng mà nhiều thương, bệnh binh bị chấn thương, cắt cụt, vết thương chiến tranh, sốt rét ác tính... đã qua khỏi.

3.4. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)

Năm 1954, kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Đất nước ta bị chia làm 2 miền. Miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục chịu sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Tuy vậy, mỗi miền có những bước phát triển riêng về công tác điều dưỡng.

3.4.1. Ở miền Nam:

Năm 1956 có trường Cán sự điều dưỡng Sài Gòn, đào tạo cán sự điều dưỡng 3 năm. Cô Lâm Thị Hạ, là nữ giám học đầu tiên.

Năm 1968, do thiếu điều dưỡng trầm trọng nên đã mở thêm ngạch điều dưỡng sơ học 12 tháng chính quy tại các trường điều dưỡng. Từ những năm 1960 đã có Sở Điều dưỡng tại Bộ Y tế.

Năm 1970, Hội Điều dưỡng Việt Nam được thành lập, cô Lâm Thị Hai là chánh sự vụ Sở Điều dưỡng đầu tiên kiêm Chủ tịch hội.

Năm 1973, mở lớp điều dưỡng y tế công cộng 3 năm tại Viện Quốc gia Y tế công cộng.

3.4.2. Ở miền Bắc

Năm 1954, Bộ Y tế đã xây dựng chương trình đào tạo y tá sơ cấp hoàn chỉnh để bổ túc cho lớp y tá học cấp tốc trong chiến tranh.

Năm 1968, Bộ Y tế xây dựng tiếp chương trình đào tạo y tá trung cấp, lấy học sinh tốt nghiệp lớp bảy phổ thông đào tạo y tá 2 năm 6 tháng. Khoá đầu tiên mở lớp y tá được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E Trung Ương, Bệnh viện Việt Đức. Sau đó được xây dựng thành trường Trung học Y tế Bạch Mai trực thuộc Bộ Y tế. Đồng thời Bộ gửi giảng viên của hệ này đi tập huấn ở Liên Xô, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức,...

Việc đào tạo điều dưỡng trưởng cũng đã được quan tâm. Ngay từ năm 1960, một số bệnh viện và Trường Trung học Y tế Trung ương đã mở lớp đào tạo y tá trưởng như lớp trung học y tế Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E Hà Nội. Tuy nhiên chương trình và tài liệu giảng dạy chưa được hoàn thiện.

Ngày 21 tháng 11 năm 1963, Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định về chức vụ y tá trưởng ở các cơ sở điều trị bệnh viện, viện điều dưỡng, trại phong, bệnh xá từ 30 giường bệnh trở lên.

3.5. Công tác điều dưỡng từ năm 1975 đến nay

Năm 1975, kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước được thống nhất, Bộ Y tế đã thống nhất chỉ đạo công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân ở cả 2 miền. Từ đó, nghề điều dưỡng bắt đầu có tiếng nói chung giữa 2 miền Nam - Bắc.

Từ năm 1975, tiêu chuẩn tuyển chọn vào y tá trung học cần trình độ văn hóa cao hơn, học sinh được tuyển chọn bắt buộc phải tốt nghiệp trung học phổ thông hay bổ túc văn hóa và chương trình đào tạo cũng hoàn thiện hơn.

Ngày 27 tháng 11 năm 1979, Bộ Y tế ra Công văn số 4839 về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với y tá trưởng khoa và bệnh viện.

Năm 1982, Bộ Y tế ban hành chức danh y tá trưởng bệnh viện và y tá trưởng khoa.

Năm 1985, một số bệnh viện đã xây dựng phòng điều dưỡng, phòng này tách ra khỏi phòng y vụ tại Bệnh viện Nhi Trung ương , Bệnh viện Đa khoa Uông Bí.

Ngày 14 tháng 7 năm 1990, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 570/BYT-QĐ thành lập phòng điều dưỡng trong các bệnh viện có trên 150 giường bệnh. Khởi đầu, ông Phạm Đức Mục, Trưởng Phòng Điều dưỡng Viện Nhi Thụy Điển làm việc 100%; Bà Lê Thị Sửu, giáo viên trường Trung học Y tế Hà Nội và Bà Lê Thị Bình, giáo viên Trung học Y tế Bạch Mai làm 50% tại Phòng Điều dưỡng Bộ Y tế được đặt trong Vụ Quản lý sức khỏe, nay là Vụ Điều trị Bộ Y tế để phát triển công tác điều dưỡng trong cả nước thời đó.

Ngày 14 tháng 3 năm 1992, Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định thành lập Phòng Y tá của Bộ đặt trong Vụ Quản lý sức khỏe.

Ngày 10 tháng 6 năm 1993, Bộ Y tế ra Quyết định số 526 kèm theo quy định về chế độ trách nhiệm của y tá trong việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện. Cùng ngày đó, Vụ Quản lý sức khỏe (nay là Vụ Điều trị) ra Công văn số 3722 về việc triển khai thực hiện quy định trên.

Về đào tạo, năm 1985, Bộ Y tế được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cho phép tổ chức khóa đào tạo đại học điều dưỡng đầu tiên tại Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1986 mở tại Trường Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh. Đây là mốc lịch sử quan trọng trong lĩnh vực đào tạo đại học điều dưỡng của nước ta. Tổ chức Y tế Thế giới rất hoan nghênh chủ trương này vì từ đây Bộ Y tế đã xác định được hướng đi của ngành Điều dưỡng, coi đây là một ngành nghề riêng biệt, chứ không suy nghĩ như trước đây cho y tá giỏi học chuyên tu thành bác sĩ.

Năm 1994, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế lại tiếp tục cho phép đào tạo cử nhân cao đẳng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên y học khoá III tại Trường Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Y tế Nam Định.

Năm 1998, Trường Đại học Y khoa Huế mở lớp điều dưỡng cao đẳng đầu tiên tại khu vực miền Trung.

3.6. Mở lớp đào tạo điều dưỡng trưởng

Vào những năm 60 của thế kỷ XX đã đào tạo điều dưỡng trưởng tại Bệnh viện Bạch Mai để cung cấp điều dưỡng trưởng cho các bệnh viện trung ương nhưng chưa được bài bản. Năm 1990, lớp đầu tiên đào tạo điều dưỡng trưởng được Bộ Y tế cho phép là Trường Trung học Kỹ thuật Y tế Trung ương I phối hợp với chuyên gia Thụy Điển mở 3 lớp "Điều dưỡng trưởng Bệnh viện": lớp thứ nhất tại Bệnh viện Uông Bí - Thụy Điển; lớp thứ hai mở tại Trường Cao đẳng Y tế Nam Định; lớp thứ 3 tại Trường Đại học Y - Dược Hồ Chí Minh.

Đến nay khoảng 50% điều dưỡng trưởng khoa, điều dưỡng trưởng bệnh viện đã được đào tạo qua các lớp quản lý điều dưỡng trưởng.

3.7. Thành lập Hội Điều dưỡng

Năm 1986, Hội Điều dưỡng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh mở đại hội. Năm 1989, Hội Điều dưỡng thủ đô Hà Nội và Hội Điều dưỡng tỉnh Quảng Ninh ra đời. Sau đó, lần lượt một số tỉnh thành khác cũng thành lập Hội Điều dưỡng, thôi thúc sự ra đời của Hội Điều dưỡng cả nước. Ngày 26 tháng 10 năm 1990, Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam mở Đại hội lần thứ nhất tại Hội trường Ba Đình lịch sử. Nhiệm kỳ thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) Hội là 3 năm (1990-1993). BCH có 31 ủy viên ở cả 2 miền. Bà Vi Thị Nguyệt Hồ là Chủ tịch, 3 phó Chủ tịch là: Cô Trịnh Thị Loan, Cô Nguyễn Thị Niên, Ông Nguyễn Hoa. Tổng Thư ký là ông Phạm Đức Mục. Ngày 26 tháng 3 năm 1993, đại hội đại biểu y tá - điều dưỡng toàn quốc lần thứ 2 (nhiệm kỳ 1993 - 1997) được tổ chức tại Bộ Y tế và BCH mới gồm 45 ủy viên, Chủ tịch là Bà Vi Thị Nguyệt Hồ, 3 phó Chủ tịch là: Ông Nguyễn Hoa, Cô Trịnh Thị Loan, Ông Phạm Đức Mục (kiêm tổng thư ký).

Ngày 13 tháng 8 năm 1997, sau nhiều cố gắng của Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam, Nhà nước đã chấp thuận đổi tên Hội Y tá - Điều dưỡng thành Hội Điều dưỡng.

Từ khi thành lập đến nay Hội đã có 19 tỉnh hội và trên 160 chi hội. Sự hoạt động của Hội đã góp phần động viên đội ngũ điều dưỡng thêm yêu nghề nghiệp và thúc đẩy công tác chăm sóc tại các cơ sở khám bệnh, làm chuyển đổi bộ mặt chăm sóc điều dưỡng.

Năm 1999, Bộ Y tế chính thức ban hành chức vụ điều dưỡng trưởng tại Sở Y tế.

Từ năm 2003, chương trình đào tạo điều dưỡng trung cấp rút ngắn từ 2 năm 6 tháng, xuống còn 2 năm.

3.8. Mở lớp đào tạo thạc sĩ Điều dưỡng

Năm 2006, Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép mở lớp đào tạo thạc sĩ điều dưỡng đầu tiên của Việt Nam.

4. Điều dưỡng tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa

Có lẽ ngày này trôi qua không náo nhiệt, không rôm rả hoa tươi, quà mừng; ngày 12 tháng 5 là ngày chỉ những ai trong nghề y và đặc biệt là mỗi người điều dưỡng mới biết đến lịch sử  vì sao có ngày này và ý nghĩa của nghề Điều dưỡng. Với hình ảnh người phụ nữ cầm ngọn đèn cháy sáng, đi tua một mình trong đêm, chăm lo cho sức khỏe của những thương binh, Florece Nightingale - người đã tạo nên hình tượng cao đẹp của người điều dưỡng.

Đối tượng nghề nghiệp của điều dưỡng là những bệnh nhân với những đau đớn về cơ thể sinh lý và tâm lý. Bên cạnh đó là nỗi lo lắng của người  nhà bệnh nhân cho người thân của mình. Người điều dưỡng luôn phải tất bật lo chuyên môn, chăm sóc cho bệnh nhân và không quên niềm nở, chu đáo với người bệnh.

Những đêm trực dài, thức trắng, đi tua rã chân để đảm bảo giấc ngủ cho bệnh nhân, người điều dưỡng chỉ mong sao, mình vất vả thêm chút cũng được miễn bệnh nhân ngủ ngon, bình an là được. Sau mỗi đêm trực, người điều dưỡng lại trở về với trách nhiệm làm cha, làm mẹ, bao lo lắng bộn bề của cuộc sống gia đình.

Vất vả, truân chuyên với nghề, bị bệnh nhân hay người nhà mắng chửi, tấn công, khó tìm kiếm sự cảm thông hay lời xin lỗi; chán nản, mệt mỏi, không có nơi bênh vực quyền lợi nhưng họ vẫn tiếp tục với nghề, âm thầm săn sóc  và nghề vẫn tiếp nối nghề. Mặc dù không ít đã “bỏ cuộc chơi”.

https://drive.google.com/uc?id=1RqQURy9k1VvPKpyrcMe0Z-L4PmDJFvv3

5. Lời kết:

“Không ai thắp đèn rồi đem đặt gầm giường, không ai thắp đèn rồi lấy thùng úp lên, nhưng khi thắp đèn thì đem đặt trên giá, để cho mọi người được ánh sáng hòa chan”(2). Ước mong  ngọn đèn mà mỗi người điều dưỡng đã chọn là nghề, là nhiệt huyết với nghề, là đam mê hay đơn giản chỉ là mưu sinh; mong ngọn đèn ấy mãi cháy sáng, tỏa ánh sáng cho mọi người, tiếp ngọn lửa ấy cho các thế hệ sau, dù nghề điều dưỡng bao nỗi truân chuyên.

https://drive.google.com/uc?id=1z6vcjiCvc3vAL8imF6m6A8GqNAa21LGp

Tài liệu tham khảo:

  1. https://thuocchuabenh.vn
  2. Bài hát: Đèn sang muối mặn của nhạc sĩ Lê Quang Uy

 

 

 

 
Thông báo
Video