Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa sức khỏe là một trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật”. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, là nhân tố cơ bản trong toàn bộ sự phát triển của xã hội. Có nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe của mỗi người: yếu tố xã hội, văn hóa, kinh tế, môi trường và yếu tố sinh học như di truyền thể chất. Muốn có sức khỏe tốt phải tạo ra môi trường sống lành mạnh và đòi hỏi có sự tham gia của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cho các hoạt động bảo vệ và nâng cao sức khỏe, đẩy mạnh công tác Truyền thông giáo dục sức khoẻ (TT- GDSK) là biện pháp quan trọng giúp người dân có kiến thức về sức khỏe, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
TT- GDSK không phải chỉ là cung cấp thông tin hay nói với mọi người những gì họ cần làm cho sức khỏe của họ mà là quá trình cung cấp kiến thức, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường để nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ về sức khỏe và thực hành hành vi sức khỏe lành mạnh. TT- GDSK là phương pháp truyền đạt và hướng dẫn cho các đối tượng tham dự có kiến thức để tự chăm sóc bản thân và gia đình, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của cộng đồng bằng những nỗ lực của chính bản thân mình. Mục đích của TT – GDSK là giúp đối tượng tự quyết định và có trách nhiệm về những hoạt động và biện pháp bảo vệ sức khỏe của mình; Tự giác chấp hành và duy trì các lối sống lành mạnh, từ bỏ những thói quen, tập quán có hại cho sức khỏe; Biết sử dụng các dịch vụ y tế có thể có được để giải quyết các nhu cầu sức khỏe và các vấn đề sức khỏe của mình [1].
Thông tư số 31/2021/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế về Quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện đề cập đến TT- GDSK là sự phối hợp với bác sỹ và các chức danh chuyên môn khác tư vấn, hướng dẫn các kiến thức về bệnh, cách tự chăm sóc, theo dõi, hợp tác với nhân viên y tế trong chăm sóc, phòng bệnh; Các quy định về an toàn người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng, phục hồi chức năng; Hướng dẫn hoặc hỗ trợ người bệnh thực hiện đầy đủ các quy định, nội quy trong điều trị nội trú, chuyển khoa, chuyển viện và ra viện” [2].
Người bệnh đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa ngoài việc tham gia các hoạt động tại bệnh viện, người bệnh được nhân viên y tế (NVYT) tư vấn, giáo dục sức khỏe trong suốt quá trình nằm viện để nắm bắt được tình trạng bệnh lý của mình và biết cách chăm sóc khi ra viện.
Trong buổi tư vấn, giáo dục sức khỏe người bệnh được trao đổi các thông tin về bệnh cùng với nhân viên y tế và các người bệnh có cùng tình trạng bệnh với mình. Và đây cũng là cơ hội để các người bệnh chia sẻ những kinh nghiệm tự chăm sóc bản thân, khả năng vượt qua gian đoạn khó khăn của mình trong quá trình bệnh, khả năng thích ứng với bệnh, vượt qua sự kỳ thị của gia đình, cộng đồng…
Người bệnh tham gia trật tự, tuân thủ những nội quy được NVYT thông báo trước buổi tư vấn. Với những người bệnh rụt rè ít giao tiếp, ít phát biểu sẽ được NVYT khuyến khích, động viên tham gia với các câu hỏi đơn giản. Các câu hỏi khó hơn ưu tiên cho các người bệnh thường xuyên phát biểu. Các người bệnh đều có cơ hội để được trao đổi, bày tỏ ý kiến cá nhân với vấn đề được nêu ra. Tôn trọng, giữ bí mật những ý kiến chia sẻ là điều quan trọng và cũng là cơ hội để các người bệnh tự tin, thoải mái chia sẻ trải nghiệm, những hiểu biết của bản thân.
Tư vấn, TT – GDSK là một khâu quan trọng, cần thiết trong quá trình điều trị tại Bệnh viện. Ngoài những kiến thức thu nhận được thì đây cũng là môi trường để người bệnh tương tác, trao đổi, chia sẻ quan điểm của bản thân. Với những thông tin, hành vi chưa đúng sẽ được NVYT điều chỉnh. Bên cạnh đó, những thông tin, hành vi đúng sẽ được củng cố để duy trì hành vi sức khỏe có lợi cho sức khỏe.
Tài liệu tham khảo:
1. https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/benh-vien/to-chuc-truyen-thong-giao-duc-suc-khoe.
2. Thông tư số 31/2021/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế về Quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện.
Người viết: CNĐD. Thái Thị Minh Dung