Điều dưỡng là một nghề nghiệp trong hệ thống y tế nhằm bảo vệ, nâng cao, tối ưu về sức khỏe và các khả năng; dự phòng bệnh và sang thương; xoa dịu nỗi đau qua chẩn đoán và điều trị đáp ứng con người; tăng cường chăm sóc các cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.(*)
Khi nói về nghề điều dưỡng chắc ai cũng nghĩ đến một nghề “làm dâu trăm họ” bởi lẽ quá nhiều vất vả, khó khăn, áp lực trong công tác chăm sóc phục vụ người bệnh cách toàn diện nhất với mục đích mang lại cho người bệnh sự phục hồi về sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhưng nhiệm vụ ấy càng khó khăn hơn với điều dưỡng thuộc chuyên khoa Tâm thần khi mà hàng ngày họ phải chăm sóc bệnh nhân tâm thần đôi lúc không làm chủ được bản thân với những cơn kích động, la hét, xúc phạm, sàm sở…nhân viên y tế. Bên cạnh đó, bệnh nhân tâm thần hạn chế các nhu cầu cơ bản; đa số bệnh nhân không có người thân ở lại chăm sóc, điều dưỡng như người thân luôn bên cạnh hỗ trợ, an ủi, động viên. Ngoài ra, điều dưỡng thực hiện hoạt động liệu pháp, tham gia liệu pháp vườn, hướng dẫn các kỹ năng, sinh hoạt, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí…cho bệnh nhân.
Hàng năm, định kỳ Lãnh đạo Bệnh viện dành thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc với tất cả nhân viên các khoa, phòng, bộ phận. Thông qua những buổi tiếp xúc trao đổi, Lãnh đạo Bệnh viện có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của nhân viên. Trong bối cảnh đó, Lãnh đạo Bệnh viện dành thời gian để gặp gỡ tất cả các điều dưỡng trong Bệnh viện. Các điều dưỡng ban đầu còn rụt rè, ngần ngại trao đổi, chia sẻ. Không khí trao đổi dần tự nhiên, thoải mái, bỏ qua mọi rào cản giữa Lãnh đạo và nhân viên các điều dưỡng mạnh dạn mở lòng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, trăn trở, khó khăn, vướng mắc…với tinh thần trao đổi, thảo luận. Cùng nhau tìm hiểu, giải quyết những vấn đề còn tồn tại và phát sinh.
Các điều dưỡng viên đã trải lòng về những công việc của mình đồng thời đề xuất những giải pháp để công tác chăm sóc bệnh nhân hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, Lãnh đạo cũng ưu tiên giải quyết một số quyền lợi, chế độ thiết thực cho điều dưỡng tại các khoa lâm sàng. Thông qua buổi gặp gỡ trao đổi thẳng thắn, tự chủ Lãnh đạo đã hiểu hơn, thông cảm hơn về những khó khăn người điều dưỡng đã, đang và sẽ đối diện. Điều dưỡng hiểu hơn những trăn trở, ưu tư của Lãnh đạo và chiều hướng phát triển của Bệnh viện để phấn đấu mỗi ngày hoàn thiện nhân cách người Điều dưỡng đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn xứng tầm với định hướng phát triển chung của Bệnh viện nói riêng và Y tế nói chung.
Kết thúc buổi tiếp xúc, niềm vui của các điều dưỡng thể hiện rõ nét trên khuôn mặt và tự tin hơn khi tiếp xúc với lãnh đạo.
(*) Theo nguồn Bách khoa toàn thư
CN. Thái Thị Minh Dung và nhóm điều dưỡng