Với nhịp sống xã hội ngày càng phát triển, ngày càng hiện đại như hiện nay con người chúng ta cũng hòa theo nhịp sống ấy với biết bao sự hối hả, tất bật để hoàn thành những công việc, những kế hoạch đã đề ra. Chính từ những áp lực công việc ngày càng nặng nề, cùng với mệt mỏi lo âu dẫn đến tình trạng mất ngủ kéo dài làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Vì thế hiện tượng rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu và trầm cảm chúng được xem là những căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện nay.
1. RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
Giấc ngủ là một trong những hành vi phổ biến nhất của con người vì một người trung bình bỏ ra 1/3 cuộc đời để ngủ. Mặc dù chức năng chính của giấc ngủ đến nay vẫn chưa được biết rõ nhưng giấc ngủ là rất cần thiết cho con người. Những trường hợp mất ngủ sẽ dẫn đến các bệnh cơ thể nghiêm trọng, rối loạn nhận thức nặng nề và cuối cùng dẫn đến tử vong. Giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lâm sàng tâm thần vì rối loạn giấc ngủ gặp trong tất cả các bệnh tâm thần và là một trong những chẩn đoán hay gặp nhất [1].
1.1. Mất ngủ là gì?
Mất ngủ là khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ. Đây là than phiền nhiều nhất về giấc ngủ, chúng có thể thoáng qua hoặc bền vững. Trong 1 năm, có khoảng 30-45% người lớn có mất ngủ [2].
Mất ngủ được chẩn đoán khi người bệnh than phiền không ngủ, khó đi vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ hoặc dậy sớm, các triệu chứng này cần kéo dài ít nhất 3 tháng. Mất ngủ được đặc trưng bởi hai dấu hiệu [1]:
- Khó vào giấc ngủ.
- Hay thức giấc.
1.2. Phân loại: Theo phân loại của DSM- IV- TR, rối loạn giấc ngủ được chia làm 3 loại chính [2]:
- Rối loạn giấc ngủ tiên phát.
- Rối loạn giấc ngủ liên quan đến một bệnh tâm thần khác.
- Rối loạn giấc ngủ khác (do bệnh cơ thể, do lạm dụng thuốc, ma túy).
1.3. Các nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ [2]:
Triệu chứng
|
Mất ngủ thứ phát do bệnh cơ thể
|
Mất ngủ thứ phát do bệnh tâm thần hoặc do môi trường
|
Khó đi vào giấc ngủ
|
Bất kỳ triệu chứng đau hoặc khó chịu nào. Tổn thương hệ thần kinh trung ương
|
Lo âu, căng thẳng,căng cơ, thay đổi môi trường, rối loạn nhịp ngủ hằng ngày
|
Khó giữ giấc ngủ
|
Ngủ ngáy, giật cơ trong đêm, ăn kiêng, giấc mơ, lạm dụng chất (rượu, ma túy), tác dụng của thuốc, bệnh nội tiết và chuyển hóa, nhiễm trùng, ung thư hoặc các bệnh khác, đau hoặc khó chịu, tổn thương vỏ não hoặc vùng dưới đồi, tuổi già.
|
Trầm cảm (đặc biệt là trầm cảm tiên phát), thay đổi môi trường, rối loạn nhịp ngủ hằng ngày, rối loạn stress sau sang chấn, tâm thần phân liệt.
|
1.4. Tác hại của bệnh mất ngủ:
Mất ngủ ban đầu có thể chỉ làm cơ thể bạn lảo đảo, thiếu sức sống.
Mất ngủ khiến bạn mất tập trung trong công việc, làm giảm sút hiệu quả công việc.
Mất ngủ kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu kiên nhẫn và thiếu linh hoạt, làm suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm lý, ảnh hưởng đến một số bệnh về tim mạch.
Mất ngủ tác động xấu đến sức khỏe, ảnh hưởng đến khả năng làm việc, học tập, vận hành máy móc và dễ gây tai nạn khi tham gia giao thông.
Mất ngủ cũng là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì, tăng cân và tăng huyết áp. Làm ảnh hưởng đến làn da và làm bạn mất tự tin.
2. RỐI LOẠN LO ÂU
2.1. Khái niệm:
Rối loạn lo âu là sự sợ hãi quá mức, không có nguyên nhân, do chủ quan của người bệnh và không thể giải thích được do một bệnh tâm thần khác hoặc do một bệnh cơ thể. Rối loạn lo âu là rối loạn mà bệnh nhân không thể kiểm soát được, biểu hiện vững chắc, mạn tính và lan tỏa, thậm chí có thể xảy ra dưới dạng kịch phát [3].
Bệnh nhân có rối loạn lo âu, đặc biệt là những cơn xung động hoảng sợ, thường kèm theo rối loạn các chức năng xã hội và có nguy cơ lạm dụng thuốc cao hơn người bình thường [3].
2.2. Các biểu hiện lâm sàng của rối loạn lo âu:
* Tiêu chuẩn lâm sàng [4]:
A. Trạng thái căng thẳng, lo sợ kéo dài ít nhất 6 tháng về các sự kiện thường ngày (sức khỏe, công việc, tài chính, người thân...)
B. Có ít nhất 4 triệu chứng sau, ít nhất một trong bốn triệu chứng đó phải nằm trong mục 1:
1. Các triệu chứng kích thích thần kinh thực vật:
+ Hồi hộp, tim đập mạnh, hoặc nhịp tim nhanh
+ Vã mồ hôi
+ Run
+ Khô miệng (không do thuốc hoặc mất nước)
2. Các triệu chứng liên quan đến vùng ngực và bụng:
+ Khó thở
+ Cảm giác nghẹn
+ Đau hoặc khó chịu ở ngực
+ Buồn nôn, sôi bụng...
3. Các triệu chứng liên quan đến trạng thái tâm thần:
+ Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu
+ Tri giác sai thực tại hoặc giải thể nhân cách
+ Sợ mất kiềm chế
+ Sợ bị chết
4. Các triệu chứng toàn thân:
+ Các cơn đỏ mặt hoặc ớn lạnh
+ Tê cóng hoặc cảm giác kim châm
5. Các triệu chứng căng thẳng:
+ Căng cơ hoặc đau cơ
+ Bồn chồn hoặc không thể thư giãn được
+ Có cảm giác tù túng hoặc căng thẳng tâm thần
+ Cảm giác có khối trong họng hoặc khó nuốt
6. Các triệu chứng không đặc hiệu khác:
+ Đáp ứng quá mức hoặc giật mình trước kích thích nhỏ
+ Khó tập trung, đầu óc trống rỗng vì lo âu
+ Dễ cáu gắt
+ Khó ngủ vì lo lắng
C. Không đáp ứng tiêu chuẩn rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, ám ảnh nghi thức, rối loạn nghi bệnh.
2.3. Tần suất các biểu hiện cơ thể của rối loạn lo âu [4]:
- 80%: Cảm giác khó chịu, bị đè nén, căng đau cơ...
- 60- 80%:
+ Khó vào và khó duy trì giấc ngủ
+ Nôn nóng, dễ cáu gắt, phản ứng quá mức
+ Khó tập trung, dễ mệt, giảm trí nhớ
+ Khô miệng, buồn nôn, tiêu chảy...
- 40- 60%:
+ Run, dễ giật mình
+ Ớn lạnh, toát mồ hôi, ra mồ hôi tay
+ Tiểu nhiều...
Trong rối loạn lo âu mất ngủ là triệu chứng rất phổ biến ở bệnh nhân có rối loạn lo âu. Hầu như tất cả các bệnh nhân này đều than phiền rằng họ rất khó vào giấc ngủ. Tình trạng khó vào giấc ngủ là do bệnh nhân rất khó thư giãn. Khi đi nằm ngủ, họ vẫn không thể nằm yên mà luôn đứng lên, ngồi xuống, trở mình liên tục và còn bận tâm đến các mối lo âu đang tồn tại trong đầu [5].
Các bệnh nhân có rối loạn lo âu thường thức giấc sớm so với bình thường 2-3 giờ. Như vậy giấc ngủ của họ ngắn về thời lượng và kém về chất lượng. Tình trạng mất ngủ phụ thuộc vào cường độ của lo âu, ngược lại nếu bệnh nhân mất ngủ thì tình trạng lo âu của bệnh nhân lại tăng lên [5].
Mất ngủ là triệu chứng gây khó chịu rất nhiều cho bệnh nhân có rối loạn lo âu nên họ thường tìm cách tự điều trị. Vì thế những bệnh nhân này thường hay lạm dụng rượu, ma túy và các thuốc bình thần [5].
2.4. Cần phân biệt lo âu bình thường và lo âu bệnh lý:
Lo âu được xem là bình thường khi phù hợp với tình huống và mất đi khi tình huống đã được giải quyết. Có thể điều trị hiệu quả bằng cách trấn an hoặc liệu pháp tâm lý đơn giản.
Lo âu bệnh lý là lo âu không có nguyên nhân rõ rệt hoặc quá mức so với mong đợi, các triệu chứng thường nặng và gây nhiều khó chịu, kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của người bệnh và có thể kèm theo những ý nghĩ hoặc hành vi có vẻ quá mức hoặc vô lý như tránh né, hành vi cưỡng chế...cần được khám toàn diện về cơ thể, tâm thần và được điều trị phù hợp theo nguyên nhân.
Lo âu nếu không được điều trị đúng theo thời gian sẽ đưa đến rối loạn trầm cảm.
3. RỐI LOẠN TRẦM CẢM:
Trầm cảm là một loại rối loạn cảm xúc được đặc trưng bởi một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm. Bệnh nhân không có tiền sử các giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ hoặc giai đoạn hỗn hợp [6].
Theo DSM-5 (2013), rối loạn trầm cảm bao gồm trầm cảm điển hình, loạn khí sắc, trầm cảm do một chất và trầm cảm do một bệnh thực tổn.
3.1. Nguyên nhân [6]:
- Yếu tố sinh học
+ Các chất dẫn truyền thần kinh trung ương
+ Vai trò của trục dưới đồi – tiền yên – tuyến thượng thận
+ Hình ảnh của não
- Vai trò của gen di truyền
- Yếu tố xã hội
+ Các stress từ môi trường sống
+ Yếu tố nhân cách
Trong trầm cảm, bệnh nhân có thể có cả mất ngủ và ngủ quá nhiều. Mất ngủ là triệu chứng hay gặp nhất, chiếm tới 95% số trường hợp bệnh nhân trầm cảm. Bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc, mất ngủ giữa giấc, cuối giấc, nếu nặng sẽ phát triển thành mất ngủ toàn bộ [7].
Mất ngủ là triệu chứng gây rất nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Họ thấy đêm rất dài vì nằm mãi mà không ngủ được. Mất ngủ khiến bệnh nhân rất mệt mỏi, bực bội, đảo lộn cuộc sống và sinh hoạt, vì thế họ tìm đủ mọi cách để ngủ được như uống rượu, điều trị Đông y, dùng thuốc ngủ, thuốc bình thần, thuốc an thần. Mất ngủ chính là nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh nhân phải đi khám bệnh [7].
Tuy rối loạn giấc ngủ là triệu chứng rất hay gặp trong bệnh trầm cảm, là nguyên nhân chính khiến cho bệnh nhân phải đi khám bệnh, nhưng chúng không phải là triệu chứng chính của bệnh trầm cảm. Bên cạnh rối loạn giấc ngủ, bệnh nhân trầm cảm cần phải có nhiều triệu chứng khác [7].
3.2. Một số triệu chứng trầm cảm:
- Khí sắc trầm
- Mất mọi quan tâm thích thú
- Giảm năng lượng, tăng mệt mỏi.
- Mất lòng tin hoặc sự tự trọng
- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi
- Ý nghĩ về cái chết hoặc có hành vi tự sát
- Giảm tập trung chú ý
- Rối loạn giấc ngủ
- Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân
- Rối loạn hoạt động tâm thần vận động.
Với hầu hết mọi người, cảm giác buồn bã và chán nản, tuyệt vọng, mệt mỏi...sẽ giảm dần theo thời gian. Nhưng nếu những cảm giác này kéo dài trên 2 tuần và bắt đầu cản trở đời sống thường nhật của bạn thì đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Lúc này bạn nên đến khám tại bác sĩ có chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Nếu người bệnh trầm cảm không đi khám và điều trị kịp thời thì cảm giác vô dụng và tuyệt vọng ngày càng nặng nề hơn và có thể làm bệnh ngày càng nặng thêm.
4. ĐIỀU TRỊ [1]:
Điều trị mất ngủ do tâm lý gặp khó khăn. Thuốc ngủ thường được sử dụng nhưng nên sử dụng liều thấp nhất có thể. Khi ngừng thuốc ngủ thì mất ngủ có thể quay lại với mức độ trầm trọng hơn. Nên thay đổi điều kiện của phòng ngủ và giường ngủ, chỉ đi ngủ khi cảm thấy buồn ngủ. Nhiều trường hợp khi thực hiện vệ sinh giấc ngủ thì lại ngủ được. Nếu có triệu chứng tăng trương lực cơ thì nên tập các bài tập thư giãn.
Nếu các biện pháp không có hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các thuốc chống trầm cảm và an thần mới để điều trị. Thời gian điều trị kéo dài 1 – 3 tháng.
5. VỆ SINH GIẤC NGỦ [1]:
Lối sống không điều độ của người bệnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra mất ngủ. Họ thường không hiểu và không làm đầy đủ vệ sinh giấc ngủ, không đi ngủ vào một giờ nhất định, sử dụng các chất gây hưng phấn như uống nhiều cà phê, ăn no trước khi đi ngủ.
Theo Hội Tâm thần học Mỹ, vệ sinh giấc ngủ không tốt có thể dẫn đến mất ngủ. Nhiều hành vi hưng phấn quá trước khi ngủ hoặc thay đổi giờ giấc ngủ hàng ngày có thể dẫn đến mất ngủ. Khi điều trị, thầy thuốc chỉ cho người bệnh các vấn đề cần thay đổi trong lối sống để có thể có giấc ngủ tốt:
- Thức giấc cùng một giờ hàng ngày.
- Giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi ngủ.
- Không dùng các chất kích thích thần kinh trung ương (cà phê, thuốc lá, rượu).
- Tránh ngủ chợp mắt ban ngày.
- Có các bài tập thể dục sôi nổi vào buổi sáng sớm.
- Tránh xa các sự kiện gây kích thích, có thể nghe đài, xem ti vi hoặc đọc sách.
- Tắm nước nóng khoảng 20 phút trước khi đi ngủ.
- Ăn vào một giờ nhất định trong ngày, không ăn nhiều trước khi đi ngủ.
- Tập các bài tập thư giãn đầu óc và cơ vào các buổi tối hàng ngày.
- Cố gắng có được các điều kiện ngủ thoải mái.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Quang Huy (2016), Rối loạn giấc ngủ, Giáo trình bệnh học tâm thần, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 459 - 467.
2. Bùi Quang Huy (2010), Rối loạn giấc ngủ, Mất ngủ, Nhà xuất bản Y học, 15 - 18.
3. Cao Tiến Đức (2016), Rối loạn lo âu, Giáo trình bệnh học tâm thần, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 356.
4. Nguyễn Kim Việt (2017), Cập nhật chẩn đoán và điều trị các rối loạn lo âu lan tỏa và trầm cảm chủ yếu, Tài liệu hội thảo khoa học tại Khánh Hòa ngày 02/06/2017, 10 - 12.
5. Bùi Quang Huy (2010), Mất ngủ trong rối loạn lo âu lan tỏa, Mất ngủ, Nhà xuất bản Y học, 141.
6. Bùi Quang Huy (2016), Rối loạn trầm cảm, Giáo trình bệnh học tâm thần, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 285.
7. Bùi Quang Huy (2010), Mất ngủ trong bệnh trầm cảm, Mất ngủ, Nhà xuất bản Y học, 54 - 55.
Tác giả: BS Phương