LIÊN KẾT CƠ QUAN - BAN NGÀNH

Chung nhan Tin Nhiem Mang

  07/04/2020 18:22        

LIỆU PHÁP ĐIỀU CHỈNH HÀNH VI TRONG RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý

Liệu pháp điều chỉnh hành vi (Behavioral Modification Therapy-BMOD) là tiếp cận tâm lý xã hội dựa trên chứng cứ duy nhất cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder-ADHD), được ủng hộ bởi hơn 175 nghiên cứu (Fabiano et al. 2009, Pelham et al. 2014). BMOD có hiệu quả như thuốc để đạt được những cải thiện về mặt chức năng (kết quả học tập, quan hệ với bạn cùng lứa, sự gây hấn), cải thiện khả năng đáp ứng thành công với điều trị bằng thuốc, cho phép giảm liều thuốc (Pelham et al. 2014) và được gia đình thích hơn là điều trị thuốc đơn độc (Pelham and Fabiano 2008).

Bằng cách chú trọng vào sự suy giảm về mặt chức năng trong quá trình đánh giá chẩn đoán, nhà lâm sàng sẽ lập ra một danh sách các hành vi đích được sử dụng như các mục tiêu điều trị. Đối với trẻ, danh sách này sẽ bao gồm sự cần thiết hướng dẫn lặp lại trong suốt buổi học, chú ý vào bài tập và hoàn thành bài tập. Cần xác định nguyên nhân ảnh hưởng đến hành vi trẻ để giảm thiểu tác động. Ví dụ, nếu trẻ dễ xao nhãng khi ngồi gần cửa sổ thì tránh để trẻ ngồi gần cửa sổ. Danh sách của những hành vi đích sẽ được chuyển thành các phiếu báo cáo hàng ngày (Daily Reported Card –DRC) để tạo ra một bộ mục tiêu hàng ngày, hàng tuần. Ví dụ những mục đích DRC trong lớp học có thể bao gồm “không cần nhắc nhở hơn 3 lần để hoàn thành công việc tại chỗ” và “hoàn thành bài tập trong thời gian nhất định”. Sự cho phép trẻ tham gia các hoạt động ưa thích tại trường tùy thuộc vào sự hoàn thành các mục tiêu hàng ngày của trẻ, với những phần thưởng thêm cho hành vi đúng. Những mục tiêu DRC ban đầu nên dễ đạt được để trẻ có thể trải nghiệm những lợi ích  của việc có những hành vi tốt, mục tiêu tăng độ khó dần khi trẻ có cải thiện. DRC cung cấp cho cha mẹ sự phản hồi hàng ngày từ trường với mức độ đơn giản hóa những chi tiết. Thay vì cứ thảo luận về sự phàn nàn cho những hành vi không mong muốn tái diễn ở trường, cha mẹ có thể khen ngợi và thưởng cho trẻ khi trẻ đạt được những mục tiêu.

Để giải quyết sự suy giảm chức năng của trẻ ở nhà (ví dụ: không hoàn thành bài tập), nhà lâm sàng có thể khuyến nghị cha mẹ trẻ tham gia tư vấn tâm lý. Nội dung tư vấn này nhấn mạnh việc khen ngợi những hành vi tốt và xây dựng những kế hoạch thay đổi hành vi có cấu trúc cho các hành vi tiêu cực tái diễn.

Các buổi nâng đỡ nhóm phụ huynh định kỳ là cần thiết để hỗ trợ cho việc duy trì.

Vấn đề của trẻ với bạn cùng lứa nếu tương đối nhẹ và thứ phát do sự chú ý kém của trẻ thì sự can thiệp được chỉ định ở nhà và trường có thể là hiệu quả để cải thiện mối quan hệ của trẻ với bạn cùng lứa.

Sau những can thiệp ban đầu đó, nhà lâm sàng có thể đánh giá những nhu cầu cần thêm và/hoặc việc điều trị tăng cường hơn. Nếu trẻ mất khả năng học tập, trẻ cần sự nâng đỡ giáo dục đặc biệt ở trường.

Nếu BMOD không cải thiện sự lo âu của trẻ, có thể trẻ kèm theo rối loạn lo âu thì cần đánh giá, chẩn đoán lo âu, và điều trị kết hợp.

Nếu quan hệ với bạn cùng lứa xấu đi, trẻ cần một chương trình kỹ năng xã hội tăng cường hơn như một cuộc cắm trại hè liệu pháp.

Dùng đồng thời thuốc kích thích là một sự xem xét khác. Thứ tự kết hợp chuẩn giữa thuốc và điều trị hành vi tùy theo mức độ bệnh và sự đáp ứng điều trị. Nếu trẻ có ADHD mức độ nhẹ thì có thể chỉ áp dụng BMOD để hỗ trợ và hướng dẫn trẻ tự quản lý hành vi. Nếu trẻ ADHD mức độ nặng có thể dùng thuốc trước để cải thiện sự tăng động và giảm chú ý, kết hợp sau với BMOD để quản lý hành vi… Sự lựa chọn giữa thuốc và can thiệp hành vi tăng cường khác và/hoặc giáo dục đặc biệt là do cha mẹ, sẽ phụ thuộc vào mong muốn, nguồn lực của cha mẹ và mức độ nặng những vấn đề của trẻ.

                                                                                   Bs. Thái Bằng Phi

 

Tài liệu tham khảo:

Fabiano  G.A. and Pelham W.E. (2009), Meta-analysis of behavioral treatments for attention deficit/hyperactivity disorder. Clinical Psychology Review29(2):129-140.

Pelham W.E., Burrows-MacLean L., Gnagy E.M., et al (2014), A dose-ranging study of behavioral and pharmacological treatment in social settings for children with ADHD. Journal of Abnormal Child Psychology42(6):1019-1031.

Pelham W.E. and Fabiano  G.A. (2008), Evidence-based psychosocial treatments for attention-deficit/hyperactivity disorder. Journal of Clinical Child and Adolescent Psychology37(1):184-214.

Waxmonsky J.G. and Pelham W.E. (2017), Trouble Paying Attention: Attention Deficit/Hyperactivity Disorder-Psychotherapeutic Perspective. DSM-5® Casebook and Treatment Guide for Child Mental Health. Washington: American Psychiatric Association.

 
Video